Ngày 30.5, tại Đại học Thái Nguyên, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của 200 đại biểu từ các trường đại học, học viện, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trên toàn quốc và 250 đại biểu tham dự trực tuyến.
Nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam
Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, đào tạo theo phương thức trực tuyến đã trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi, hiệu quả tại Việt Nam. Nhận thức về đào tạo trực tuyến và khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong giáo dục ở Việt Nam đã có những thay đổi căn bản.
Tuy nhiên, bối cảnh này cũng đặt ra rất nhiều thách thức về các điều kiện đảm bảo và kiểm soát chất lượng đào tạo theo hình thức đào tạo này, như sự ra đời của Chat GPT và ứng dụng mạnh mẽ AI trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học; sự ra đời các công nghệ mới, phần mềm mới, công cụ mới hỗ trợ người dạy, người học; xuất hiện các chương trình đào tạo mới, hình thức đào tạo cấp bằng mới; nảy sinh những vấn đề mới liên quan đến đào tạo trực tuyến như Quy chế, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, đối tượng và phạm vi áp dụng,...
Đây là lý do Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam” được tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam cho biết, ngày nay, hình thức trực tuyến không chỉ hiện hữu trong đào tạo, mà còn có mặt và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học.
Việc thực hiện mô phỏng các thí nghiệm ảo, các nghiên cứu với ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo và học máy, cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo và quản trị hiện đại trong nhà trường đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xã hội 5.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức cho giáo dục đại học.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, để bảo đảm chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến ngày nay phải xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ thể chế, khung pháp lý, các công nghệ và công cụ để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học thân thiện, thông minh.
Đồng thời, gắn với đẩy mạnh xây dựng học liệu và khai phá dữ liệu; an toàn thông tin; đẩy mạnh STEM và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để kết hợp, tạo ra những hiệu quả đột phá trong giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo trực tuyến.
"Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Đồng thời, đề cập đến những nhân tố mới, cách tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến, hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; gắn đào tạo trực tuyến với nghiên cứu; với đổi mới chuẩn đầu ra; với công nghệ hiện đại, phương pháp dạy và học mới; với chất lượng nguồn nhân lực và chuẩn mực đạo đức và liêm chính trong nghiên cứu và đào tạo trực tuyến", Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay.
Xây dựng cơ chế đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học
Tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ, Đại học Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng của cả nước. Điều 7 Luật Giáo dục đại học đã nêu rõ: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.
Do đó, thông qua Hội thảo này, Đại học Thái Nguyên đề nghị Bộ GD-ĐT, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học, đổi mới mô hình đào tạo và cấp bằng, phát triển xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho vùng và cho cả nước.
Hội thảo đã nghe các báo cáo “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến - Cơ hội và thách thức” của GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN; “Bảo đảm và kiểm định chất lượng đào tạo trực tuyến: Nguyên tắc, quy trình và bộ tiêu chuẩn” của TS Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và Trưởng nhóm Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Văn Lang;
Báo cáo “Xu thế và thách thức trong đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam” của PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; “The Quality Assurance of Online, E-learning and Digital Higher Education Provisions” của TS. Tullio Lobetti, Chuyên gia Đảm bảo chất lượng của Tổ chức Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, Vương quốc Anh (QAA).
Từ ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm trong nước, quốc tế, Hội thảo tập trung đề xuất một số giải pháp, cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp kiểm tra, đánh giá mới với tầm nhìn hội nhập với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Mục tiêu cao nhất là định hướng cho các trường đại học - thành viên của Câu lạc bộ trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong đào tạo và đào tạo cấp bằng theo hình thức trực tuyến trong hiện tại và tương lai, cũng như góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ đó, góp phần thể hiện vai trò tiên phong và dẫn dắt trong toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam, ở tất cả các cấp và các trình độ đào tạo trong việc sử dụng các công nghệ và phương thức hiện đại, thông minh trong giáo dục.