Áp lực là động lực
- Thật khó tưởng tượng anh lấy đâu ra đủ sức lực và thời gian để “chạy sô” giữa một núi việc: Vừa hòa âm phối khí, lại đảm trách vai trò giám đốc âm nhạc giải Sao Mai cho đến đại nhạc hội “Son” như vừa qua... Cách nào để anh giữ được “thương hiệu” của mình?
- Đúng là có những thời điểm, tôi và ban nhạc phải căng như dây đàn, không chỉ cố gắng 100% mà là 200%. Hai chương trình mà bạn nhắc tới ở trên thậm chí còn chỉ cách nhau đúng 1 tuần, một ở Thanh Hóa, một ở Hà Nội. Để khẳng định uy tín của mình và ban nhạc thì phải cố tìm cách “phân thân” thôi. Được cái, áp lực đôi khi cũng chính là động lực, vì đâu phải ai cũng được tin tưởng giao cho những chương trình lớn như thế. Và một khi đã làm nghề chuyên nghiệp thì không thể lấy từ “bận” để biện hộ cho sự thiếu hoàn hảo của mỗi chương trình.
- Vậy anh đã làm gì trong một tuần đó?
- Nói là một tuần nhưng thật ra là phải chuẩn bị từ trước đó hàng tháng, các “đơn đặt hàng” cứ thế gối đầu nhau. Trong các công đoạn chuẩn bị thì việc lên ý tưởng là đòi hỏi nỗ lực lao tâm khổ tứ nhất. Chẳng hạn như với đại nhạc hội “Son” - món quà dành tặng chị em phụ nữ vào tối 13.10 vừa qua là một concept được cho là khá thú vị: 4 nam ca sĩ hàng đầu hóa thân thành 4 mùa để hát tặng các khán giả nữ, với hàm ý: Họ sẽ không chỉ có 1 ngày dành cho mình mà là cả 365 ngày, từ tấm thịnh tình của cánh đàn ông. Để các khán giả nữ cảm nhận được rằng mình là trung tâm của thế giới nói chung và trong đêm nhạc nói riêng, cần phải tạo nên một không gian âm nhạc tràn ngập sự nâng niu, từ bối cảnh, không khí đến câu chuyện âm nhạc... Đẩy cao trào trên bề mặt không khó bằng chạm được vào tầng sâu của cảm xúc.
![]() |
Thường thì các đêm nhạc gần đây ở ta hay “phân loại, phân tầng” theo dòng nhạc hay ca sĩ, nhưng ở đại nhạc hội “Son” vừa qua, cách của tôi là cố gắng xóa nhòa ranh giới bằng cách mời cùng lúc 4 ca sĩ đại diện cho 4 dòng nhạc, cũng là mang vẻ đẹp riêng có của 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Thậm chí là bên cạnh giọng hát còn có thêm giọng đàn của nghệ sĩ violin Hoàng Rob - như sợi chỉ đỏ mềm mại xuyên suốt, kết nối và “gọi tên 4 mùa”...
“Sao” chưa phải tất cả!
- Trong bối cảnh nhà nhà làm liveshow như hiện nay, một giám đốc âm nhạc (chức danh mới xuất hiện trong khoảng vài năm gần đây) cần làm gì để tạo dựng dấu ấn riêng và không khiến khán giả bị bội thực?
Nhạc sĩ Dương Cầm sinh năm 1986 tại Tây Nguyên, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và hiện là giảng viên tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sớm được ghi nhận bằng các giải thưởng nhờ phong cách âm nhạc tinh tế trong dòng nhạc mà anh theo đuổi: pop ballad và semi classic (Mong anh về - “Bài hát Việt” 2005, Biển và ánh trăng - “Làn sóng xanh” 2007, Trả lại cho em - Bài hát Việt 2011...), Dương Cầm dần được biết đến rộng rãi và được đánh giá là nhạc sĩ trẻ đa năng, giàu nội lực trong sáng tác, biên tập và sản xuất âm nhạc. Năm 2010, anh thành lập ban nhạc Backgroud Band, xuất hiện trong nhiều chương trình lớn ở Hà Nội và trên sóng VTV... |
- Việc các chương trình ca nhạc thi nhau đi theo lối mòn như hiện nay dễ khiến nhiều người lầm tưởng một đêm nhạc chỉ cần hội tụ một rừng “sao” là đạo diễn và giám đốc âm nhạc “đập búa lấy dấu” được. Trong khi, đạo diễn âm nhạc cũng như người nhạc trưởng, cần tư duy về tổng thể và nắm bắt được tâm lý khán giả để lên được những concept phù hợp, vừa đạt chuẩn nghệ thuật vừa giúp bán được vé. Thế nên không phải nhạc sĩ nào sáng tác giỏi, làm phòng thu giỏi cũng có khả năng làm giám đốc âm nhạc.
Chương trình càng có nhiều “sao” thì càng khó tạo ra bất ngờ mới mẻ, khi mỗi sao đều sở hữu những bản hit quen thuộc và là thứ khán giả chờ đợi, không thể bỏ qua. Đạo diễn âm nhạc do đó cần tìm tòi, đào sâu từ ý tưởng đến khâu hòa âm phối khí, để tạo ra các màn kết hợp mới, kích thích cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ và tránh nhàm chán cho khán giả. Cũng lại phải biết “liệu cơm gắp mắm”, có chính có phụ, lùi có tiến, sao cho từng người nổi bật mà không che lấp mất người kia và fan của ai cũng đều cảm thấy hài lòng.
Lấy cho được lịch tập, lịch diễn của các “sao”, nhất là bắt họ tập bài mới, hoặc hát theo bản phối mới... cũng là một khâu tốn nhiều công sức và sự kiên trì, khéo léo, vì hầu hết họ đều “chảnh” và bận chạy sô. Nhưng một mặt, tâm lý chung của nghệ sĩ là càng chạy show nhiều, càng mong gặp được những chương trình có chất, để nuôi giữ cảm hứng làm nghề. Khi đạo diễn, giám đốc âm nhạc và nghệ sĩ gặp được nhau ở điểm chung đó, mọi thử thách sẽ dễ bề chinh phục hơn.
- Sau mọi biến tấu hay chiêu trò, cái cốt lõi vẫn phải là âm nhạc?
- Chỉ có những giá trị âm nhạc đích thực mới có thể giúp nghệ sĩ thăng hoa và chạm sâu được vào khán giả, đọng lại dài lâu trong họ. Mọi hiệu ứng chỉ là xiêm áo, sâu bên trong vẫn phải là cảm xúc âm nhạc, đến từ những sự kết hợp ăn ý, tinh tế và thông minh. Để cân bằng được yếu tố giải trí và chuyên môn, cần một sự trao đổi kỹ lưỡng giữa đạo diễn, giám đốc âm nhạc và các nghệ sĩ, với thái độ không cực đoan, nhưng cũng không được thỏa hiệp, “làm khó” nhau một cách “đủ dùng”, thì mới có thể tạo ra những chương trình đáng xem, không phí tiền vé của khán giả.
Xin cảm ơn anh!