Hầu hết kết luận, kiến nghị được thực hiện
Với quan điểm vừa thực hiện chức năng giám sát, vừa đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trong năm 2023, HĐND huyện Đô Lương đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề giải quyết các nhiệm vụ đột xuất; tổ chức 2 phiên giải trình để làm rõ trách nhiệm trong giải quyết các nhiệm vụ và thống nhất các giải pháp để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Thường trực, các Ban HĐND huyện thành lập 7 đoàn và tổ chức giám sát trên các lĩnh vực như: quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách; quản lý sử dụng sản phẩm dịch vụ, công ích thủy lợi, thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự và bảo đảm an toàn giao thông… Khi phát hiện các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại hạn chế thông qua hoạt động giám sát đều được Thường trực, các Ban HĐND huyện làm việc và trao đổi với UBND huyện, các phòng ngành để bàn bạc thống nhất giải quyết và mang lại hiệu lực, hiệu quả ngày càng cao như lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã giải quyết được 140/149 ý kiến, kiến nghị, đạt tỷ lệ 94%. Các nghị quyết, kết luận tại các phiên chất vấn, thảo luận của các kỳ họp, các phiên giải trình của Thường trực HĐND, các đoàn giám sát đều được UBND huyện và các ngành triển khai nghiêm túc, bài bản, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số và áp dụng khoa học công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ, Thường trực HĐND huyện đã trang bị máy tính bảng cho đại biểu và đã thực hiện “Kỳ họp không giấy” từ kỳ họp giữa năm 2023 đến nay; tiết kiệm được cả thời gian, vật chất, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND huyện Đô Lương cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật. Theo đó, Khoản 5, Điều 56 Luật Đầu tư công quy định “Trước ngày 25 tháng 7 hằng năm, Ủy ban Nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau”. Quy định này không nêu rõ kế hoạch đầu tư công từ nguồn nào (Vốn ngân sách trung ương hay vốn ngân sách địa phương, cấp tỉnh hay cấp huyện, cấp xã). Qua trao đổi với một số huyện: có huyện tổ chức thông qua, có huyện không thông qua. Đối với các cơ quan quản lý tài chính thì cho rằng đây chỉ quy định nguồn vốn từ tỉnh đến Trung ương, khi báo cáo đến các cơ quan cấp sở tổng hợp thì không yêu cầu có văn bản của HĐND cấp huyện. Thườngtrực HĐND huyện Đô Lương kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh trao đổi với đơn vị liên quan để chỉ đạo thống nhất, giúp Thường trực và các Ban HĐND huyện trong công tác thẩm tra; đồng thời, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công đến HĐND cấp huyện trong Luật Đầu tư công.
Đốivới việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm,theo quy định tại Khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công và Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công đối với ngân sách địa phương đến 31.12 năm sau. Tuy nhiên qua trao đổi với HĐND các huyện và cơ quan quản lý tài chính, có nơi cho rằng HĐND tỉnh chỉ quyết định việc kéo dài đối với vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh, còn vốn cấp huyện do cấp huyện tự quyết định. Để thống nhất chung trong toàn tỉnh và đặc biệt có cơ sở giúp Thường trực, các Ban HĐND các cấp trong thẩm tra, giám sát, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất có hướng dẫn cho các huyện thực hiện.
Về thẩm quyền quyết định cơ chế, chính sách, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định: "HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương".Theo đó, HĐND cấp huyện khôngđược ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều hành trên lĩnh vực ngân sách, Thườngtrực HĐND huyện Đô Lương kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi và bổ sung quy định mở rộng thẩm quyền cho HĐND cấp huyện quyết định về cơ chế, chính sách.