450 đại biểu tiêu biểu cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng đã có mặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) để tham dự sự kiện ý nghĩa này. 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 14 Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến và phần lớn thương binh có mặt trong Lễ kỷ niệm đều đã ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Trong đó, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểm là đại biểu cao tuổi nhất - 107 tuổi; 5 đại biểu trên 90 tuổi… Nhưng, tinh thần và nghị lực cũng như những đóng góp cho xã hội của các Mẹ, các Bác vẫn hừng hực khí thế cách mạng, làm lan tỏa giá trị nhân văn và hình ảnh đẹp đẽ của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay.
Những thước phim lịch sử được tái hiện qua những câu chuyện của các anh hùng bằng xương, bằng thịt. Thật vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ những thành tích trong chiến đấu của Anh hùng LLVT nhân dân - Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, là thương binh thương tật 47%, hiện cư trú tại thành phố Hà Nội. Nhập ngũ năm 1960, trong thời kỳ kháng chiến, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52, làm quân địch khiếp sợ. Khi nghỉ hưu, ông là người sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn, góp phần sưởi ấm hàng nghìn trái tim bất hạnh…
Hay câu chuyện hoạt động cách mạng của đại biểu Byan, sinh năm 1931, người dân tộc Ba Na cũng như một nét son tô đậm thêm lòng yêu nước, yêu Đảng của đồng bào Tây Nguyên. Nhiều lần bị địch bắt tù đày, giam cầm và tra tấn dã man tại các nhà tù khác nhau như Pleiku, Phú Quốc, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Mang nặng những di chứng do chiến tranh nhưng ông vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động tại địa phương, được nhân dân trong thôn làng suy tôn là già làng uy tín.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng…
Cũng không thể không nhắc đến bà Nguyễn Hà Thị Ẩn, sinh năm 1954, là người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, hiện cư trú tại thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Rời chiến trường, bà Nguyễn Hà Thị Ẩn nhận thấy cuộc sống của bà con xung quanh quá khổ cực. Một lần nữa, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã xông pha vào thương trường, những mong làm gì đó cho dân mình bớt khổ. Và Công ty TNHH Thương Mại - Sản Xuất Hà Ẩn đã ra đời. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và vận tải hàng hóa, đã giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đồng. Bà Nguyễn Hà Thị Ẩn chia sẻ, bản thân bà và người chồng là thương binh thương tật 24% chưa bao giờ thấy mệt mỏi vì bệnh tật. “So với nhiều đồng đội, chúng tôi vẫn thật sự may mắn!” - bà Ẩn nói.
Những câu chuyện, những tấm gương của các Bác, các Mẹ từ thời chiến đến thời bình như tiếp thêm nghị lực, bản lĩnh, niềm tin cho thế hệ hôm nay vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, góp sức mình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ quê hương. Và trên hết, tinh thần lạc quan, khiêm tốn của các Bác, các Mẹ đã nhắc nhở chúng tôi: Thắng kẻ thù xâm lược thôi chưa đủ mà phải tiếp tục vươn lên thắng mọi kẻ thù, từ thiên tai, dịch bệnh đến sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch; từ sức cản, sức ỳ, sự thoái hóa, biến chất ở ngay trong mỗi con người, điều mà sinh thời Bác Hồ thường gọi đó là “giặc ở trong lòng”.