Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp, vừa có tính nghệ thuật, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, vừa mang tính thương mại, giải trí; là một phần thiết yếu của nền văn hóa đại chúng, vừa có tính dân tộc, vừa có tính quốc tế, góp sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng lớn, đóng góp to lớn vào GDP - nhất là đối với nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển.
Hiện nay ở Việt Nam, điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất có quy phạm pháp luật điều chỉnh ban hành bằng văn bản luật của Quốc hội và được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho sự hoạt động và phát triển. Luật Điện ảnh được Quốc hội Khóa XI thông qua năm 2006, năm 2009 được sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm bảo đảm thực hiện cam kết khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời tạo cơ chế phát triển cho hoạt động điện ảnh Việt Nam.
Sau 14 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định không còn tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; thiếu quy định điều chỉnh vấn đề phát sinh trong thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển điện ảnh trong tình hình mới. Bên cạnh đó, thực trạng thi hành Luật và hoạt động điện ảnh những năm qua cho thấy còn không ít khó khăn, bất cập.
Để góp phần giải quyết vấn đề đặt ra đối với điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đề tài “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” tập trung đánh giá một cách khách quan, khoa học và toàn diện về thực trạng pháp luật về điện ảnh Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về điện ảnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đề tài có ý nghĩa cấp thiết khi Quốc hội đang xem xét dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đề tài đã khái quát vấn đề lý luận, thực tiễn, chính sách pháp luật điện ảnh, cũng như đưa ra giải pháp phù hợp nhằm phát triển điện ảnh. Được thực hiện song song với việc sửa đổi Luật Điện ảnh, Ban chủ nhiệm đề tài đã có những góp ý cho dự án Luật, đồng thời tiếp thu được ý kiến của đại biểu Quốc hội, các góp ý cho dự thảo Luật.
Các góp ý tại hội thảo cũng tập trung vào cấu trúc đề tài, đối tượng và phạm vi nghiên cứu; đề xuất bổ sung một số khái niệm, nội dung về pháp luật điện ảnh và thách thức từ công nghệ mới; phân tích làm rõ các giải pháp và kiến nghị đề tài cần mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam...
Theo TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, góp ý của các đại biểu tại hội thảo đã góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề, nhất là những nội dung chưa có quan điểm chung. Từ những góp ý trên, đề tài cần căn cứ vào lý luận, thực tiễn chứng minh, làm rõ những vấn đề mới, trọng tâm; đặc biệt là đưa ra được những kiến nghị, đóng góp thiết thực cho việc sửa đổi Luật Điện ảnh.