Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, bố trí nguồn lực phù hợp, tránh dàn trải

Tán thành với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, để văn hóa đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh thì nhận thức và sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng. Do đó, cần xác định và giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, nguồn lực phù hợp, tránh dàn trải, đánh giá kỹ lưỡng yếu tố vùng miền của từng địa phương và có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành.

Dành nguồn vốn lớn là xác đáng

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình) được xây dựng nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tán thành về chủ trương đầu tư, các ĐBQH nhấn mạnh, đây là Chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện, tạo ra một Chương trình có tính đột phá nhằm thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Để thực hiện Chương trình, Chính phủ đã xác định 7 mục tiêu tổng thể, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035, cũng như đưa ra 10 nội dung thành phần. Đồng thời, xác định phân bổ ngân sách giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng, tổng cộng là 256.250 tỷ đồng, trong đó vốn huy động hợp pháp khác dự kiến là 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%) tổng nguồn lực.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cho rằng, tổng vốn thực hiện Chương trình được Chính phủ xác định là phù hợp để thực hiện 7 nhóm mục tiêu tổng quát đã đề ra, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, Chương trình này được thực hiện thành công sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn. Bởi, dự kiến các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP của cả nước sẽ là 7% ở giai đoạn 1 và 8% ở giai đoạn 2. Mặt khác, những đóng góp vào hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến các tác phẩm... là rất lớn, khó đong đếm được bằng tiền.

Tuy nhiên, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) lưu ý, giải ngân cho lĩnh vực văn hóa đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng vì tính chất phức tạp và chuẩn mực cao. Do vậy, việc lập kế hoạch và phân bổ vốn phải có trọng tâm; ưu tiên các dự án thực sự cấp bách và có khả năng tác động lớn đến phát triển văn hóa…

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trong vấn đề kinh phí thực hiện Chương trình, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương. Theo Tờ trình của Chính phủ, mức vốn đối ứng của ngân sách địa phương bình quân chung cả nước là 24,6% và sẽ xác định vốn đối ứng phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể của các tỉnh. Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị, cơ quan chủ trì cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá, cân nhắc thận trọng khi xác định tỷ lệ vốn đối ứng phù hợp vì nguồn lực của mỗi địa phương khác nhau.

Cũng quan ngại về khả năng bố trí vốn đối ứng để thực hiện Chương trình của những địa phương khó khăn, còn nhận trợ cấp từ ngân sách của Trung ương, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần nâng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình, giảm vốn từ ngân sách địa phương, nhất là tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Một số đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của địa phương, Chính phủ cần quan tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, nhất là những địa phương còn khó khăn để việc triển khai Chương trình đạt mục tiêu đề ra.

Cần ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa

Thực tế cho thấy, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án thì việc xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn thường mất nhiều thời gian nên khi triển khai đến địa phương đến cơ sở thường chậm so với kế hoạch, đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chưa có đủ thời gian cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng, một số dự án, chương trình khi đến được đối tượng thụ hưởng thì gần hết thời gian thực hiện, làm giảm hiệu quả, quá trình thực hiện cũng thường phát sinh các vấn đề chồng chéo, nhất là ở địa phương, cơ sở nhưng việc xử lý còn chậm.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Do đó, theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), trước hết cần quyết liệt trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, cách thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả các chỉ tiêu để khi Chương trình được thông qua thì có đủ cơ sở triển khai sớm nhất. “Trong Tờ trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trên 20 nhiệm vụ, địa phương cũng trên 10 nhiệm vụ, khối lượng công việc là rất nhiều”, đại biểu lưu ý.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng cho rằng, việc triển khai Chương trình phụ thuộc nhiều vào năng lực của cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, cơ sở. Hiện tại, năng lực đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của một bộ phận cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, khả năng thích ứng với những thay đổi của công nghệ thông tin và sự giao thoa, du nhập văn hóa còn khó khăn. Trong khi đó, Chương trình có rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có kiến thức, kỹ năng và chuyên nghiệp.

dai-bieu8.jpg
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Nhấn mạnh việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực đáp ứng được nhiệm vụ này là rất quan trọng và cấp bách, quyết định sự thành công của Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị ưu tiên xác định xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai sớm nhất.

Trong nguồn nhân lực thực hiện Chương trình, đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý, nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số, còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đội ngũ làm công tác văn hóa ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được đào tạo chuyên nghiệp. “Nhiều khu vực dân tộc thiểu số không có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức đào tạo và phát triển nhân lực chuyên môn cho công tác văn hóa. Kinh phí dành cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa tại các vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách, chỉ từ 2-5%, gây hạn chế trong việc thu hút nhân tài và tổ chức các chương trình đào tạo dài hạn”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Để hoàn thiện nguồn nhân lực văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị triển khai 7 giải pháp. Theo đó, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số; xây dựng các cơ chế khuyến khích nhân lực văn hóa làm việc tại vùng dân tộc thiểu số; xây dựng các trường chuyên về văn hóa dân tộc hoặc các trung tâm đào tạo văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số sẽ giúp phát triển nhân lực chuyên nghiệp ngay từ địa phương; đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng các khóa học mang tính thực tiễn, gắn kết sinh viên với đời sống văn hóa thực tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo và bảo tồn văn hóa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn văn hóa; tăng cường vai trò của các tổ chức văn hóa địa phương.

Bên cạnh các yếu tố nguồn vốn, văn bản hướng dẫn thực hiện và nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh chỉ rõ, để văn hóa đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh thì nhận thức và sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng. Do đó, Chính phủ cần xác định và giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, nguồn lực phù hợp, tránh dàn trải, phù hợp với văn hóa vùng miền của từng địa phương; có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành; đưa việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trở thành nhiệm vụ của mỗi người dân.

Thời sự Quốc hội

Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh
Thời sự Quốc hội

Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh

Chiều 5.12, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Hồng Nguyên làm Trưởng đoàn đã làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Cùng dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Mai Phương.

Thúc đẩy giao lưu nghị viện giữa Việt Nam và Đức
Chính trị

Thúc đẩy giao lưu nghị viện giữa Việt Nam và Đức

Ngày 2 - 3.12 (giờ địa phương), Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Nghị viện châu Âu Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn, đã thăm và làm việc tại Frankfurt am Main, thủ phủ bang Hesse (Hessen), và thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.