Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, người nghèo có điều kiện để đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống |
Tiếng nói từ cộng đồng
Về thôn Mường Gum, xã Mường Gum thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đến thăm gia đình anh La Văn Sinh, dân tộc Giáy ở anh cho biết: Năm 2009, gia đình được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo để phát triển sản xuất và khi chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở được triển khai, năm 2009 gia đình được ngân hàng giải ngân 8 triệu đồng. Nhờ những đồng vốn ưu đãi này mà đến nay gia đình anh Sinh đã ổn định cuộc sống với ngôi nhà khang trang và nguồn thu khá ổn định từ chăn nuôi trâu bò và lợn. “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện ít đất sản xuất, cộng với việc không có vốn làm ăn nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Nhưng từ khi tôi vay được tiền Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), gia đình tập trung vào chăn nuôi, dần dần cũng có lãi. Ngoài ra tôi còn đi nhận làm gạch thuê, nhờ tích góp dần nên đã mở rộng thêm việc kinh doanh hoa quả ở chợ, có thêm điều kiện nuôi các con ăn học.”, anh La Văn Sinh chia sẻ.
Cùng địa chỉ với anh Sinh, còn có gia đình hộ Vùi Thị Ngài. Cuộc sống gia đình chị Ngài trước kia cũng khó khăn, vất vả, không có vốn để làm ăn nuôi gia đình. Được Hội Phụ nữ hướng dẫn năm 2010 chị tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn và được NHCSXH huyện Bát Xát giải ngân 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi trâu. Năm 2013, hộ chị Ngài cũng được vay thêm 8 triệu đồng theo chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn về nuôi lợn giống. Hiện cuộc sống gia đình đã thoát cảnh sống cơ cực trước đây”.
Tại Nam Định, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng gặp chị Phạm Thị Năng là một hộ vay điển hình vươn lên thoát nghèo. Với bản tính cần cù, chịu khó và năng động chị đã đưa gia đình thoát khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo, nuôi được 3 con học cao đẳng và đại học. Đặc biệt, trong đợt vận động xây dựng nhà văn hóa xóm chị đã gương mẫu ủng hộ 10 triệu đồng.
Kể về thời gian khó khăn nhất của gia đình, chị Năng cho biết: với suy nghĩ dù nghèo nhưng không để cho con thất học. Là một gia đình làm nông nghiệp, các con của chị lần lượt đỗ vào các trường cao đẳng và đại học, nên cuộc sống gia đình luôn trong cảnh thiếu thốn. Năm 2010, được sự giúp đỡ của Chính quyền địa phương và hội phụ nữ xã chị đã làm đơn vay vốn chương trình Học sinh sinh viên của NHCSXH huyện theo diện hộ nghèo để trang trải chi phí học tập cho 3 con theo học Đại học chuyên nghiệp. Tham gia tổ TK&VV của xóm, chị thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt của tổ, được chị em trong tổ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, được cán bộ hội và tổ trao đổi hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng giúp tăng năng suất vật nuôi cây trồng. Năm 2012, chị đã mạnh dạn làm đơn xin vay NHCSXH 30 triệu đồng thuộc chương trình hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi lợn, gà và nhận khoán thêm 5 mẫu ruộng để trồng lúa.
Cùng với việc trồng lúa, gia đình chị đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà theo hướng bán công nghiệp, làm hệ thống bi ô ga để xử lý chất thải, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và tận dụng được khí đốt trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, gia đình chị đang nuôi 5 con lợn nái ngoại, 20 con lợn thịt và 200 con gia cầm. Nhờ chăn nuôi, trừ chi phí, gia đình chị mỗi năm có thu nhập 50 – 60 triệu đồng, chị đã trả món vay hộ cận nghèo đúng hạn và đang trả dần các món vay HSSV. Bên cạnh việc chấp hành tốt nghĩa vụ trả nợ, chị còn là thành viên rất tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Tổ TK&VV, mỗi tháng chị đều gửi tiết kiệm từ 50.000 đến 100.000 đồng, chị nói: “ Hình thức huy động tiết kiệm qua tổ của NHCSXH rất phù hợp với thu nhập của hộ dân ở nông thôn chúng tôi, tạo thói quen tiết kiệm cho người nghèo và giúp cho chúng tôi có khoản tích lũy để trả nợ ngân hàng”.
Cuộc sống của gia đình chị Năng giờ đây ngày càng khá hơn trước, 3 người con của chị đều đã ra trường và có việc làm ổn định. Bên cạnh làm tốt vai trò người là người vợ, người mẹ trong gia đình. Chị Năng còn luôn tích cực tham gia công tác Hội phụ nữ, chấp hành tốt quy chế của địa phương, tích cực tham gia ủng hộ các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động, đặc biệt, trong phong trào “ phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới” chị đã gương mẫu ủng hộ 10 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm.
Kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất
Tại Hội nghị liên quan đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gần đây, NHCSXH được ghi nhận với nhiều xúc cảm yêu mến từ người dân đến các Lãnh đạo Trung ương, địa phương. “NHCSXH là công cụ của Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách đối với các đối tượng người nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận” - khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017 tại NHCSXH càng hun đúc thêm ý chí quyết tâm vượt khó của cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống thực hiện các chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tiến đến làm bệ đỡ cho chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với những kỳ vọng lớn hơn từ Đảng, Chính phủ…
Chặng đường 14 xây dựng và phát triển, NHCSXH đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như Quyết định số 15/2013 về tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo; gần đây nhất là Quyết định số 28/2015 về cho vay hộ mới thoát nghèo… nhằm lấp đầy “khoảng trống” chính sách cho hộ nghèo. Cùng với đó, NHCSXH đã theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong SXKD, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm đầu thành lập là hơn 3 triệu hộ đến nay là 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.
Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 190.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 Điểm giao dịch xã. Trong 14 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Hoạt động của NHCSXH đối với công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn những bứt phá mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Như đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhìn nhận: Đảng và Nhà nước không những quan tâm mà ngày càng nâng cao chuẩn nghèo lên, cho thấy mức sống của người dân nói chung, của đất nước, thậm chí các hộ nghèo ngày càng tăng lên. Tiêu chí hộ nghèo cũng từ đơn chiều tiến đến đa chiều là thách thức đối với giảm nghèo đòi hỏi Đảng, Chính phủ cùng hệ thống NHCSXH phải nỗ lực quyết tâm thì mới có thành tựu to lớn như thời gian qua. Đây cũng chính là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của NHCSXH và những hành động cũng như hiệu ứng đầu tiên đã có thể nhìn thấy trong bức tranh hoạt động của NHCSXH.
Cuộc hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi 14 năm qua vì an sinh xã hội ở nước ta thu được những thành tựu nổi bật là tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, đồng thời vừa mở rộng, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trìnhh tín dụng chính sách. Thành tựu này được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” về thực hiện các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, người nghèo có điều kiện để đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống