Xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành
Tại Lào Cai, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh ban hành ngày 12.1.2022 đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Cụ thể, tỉnh đã và đang xây dựng quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về phòng chống thiên tai, thủy lợi và các quy hoạch liên quan đến phòng, chống thiên tai gắn với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch của tỉnh. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật phù hợp với diễn biến thiên tai, trong đó bảo đảm phòng chống các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối... Ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai thực hiện, gắn với việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 140/KHUBND ngày 25.3.2021 của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai tỉnh Lào Cai lồng ghép với Kế hoạch số 351/KH-UBND ngày 31.12.2020 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 8.12.2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh Lào Cai.
Xây dựng hạ tầng thích ứng với thiên tai phải tuân thủ theo quy hoạch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt quản lý việc xây dựng nhà ở, các công trình hạ tầng, nhất là khu dân cư tập trung, các công trình giao thông. Khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực có nguy cơ sạt lở, lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc để xây dựng công trình, nhà ở; khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai; thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những nơi chưa thể di dời được cần lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, di chuyển, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai, kết hợp với xây dựng công trình phòng, chống thiên tai. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở bảo đảm phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là mưa đá, giông lốc; có chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn xây dựng nhà ở bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai. Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu kết hợp sơ tán dân tại những vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với phòng ngừa thiên tai, trong đó xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, suối tại những khu vực diễn biến sạt lở phức tạp. Tập trung củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hồ, đập bảo đảm chủ động phòng, chống mưa lũ theo mức thiết kế. Nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa các công trình hạ tầng thích ứng với thiên tai phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ theo quy hoạch và chủ động ứng phó với thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai. Lồng ghép và sử dụng đồng bộ các nguồn vốn để sửa chữa, khắc phục kịp thời các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, nhất là hệ thống kè bờ sông, suối, hồ chứa nước thủy lợi, kênh mương.