Thầy Giàng A Lâu dạy trẻ làm quen với chữ cái. |
Đó là các thầy Giàng A Tu, Giàng A Sử và Giàng A Lâu. Giữa non cao, ngày lại ngày, các thầy lên lớp dạy trẻ học ăn, học nói, chăm từng bữa cơm, giấc ngủ với tất cả tình yêu thương, trìu mến.
Nơi đặc biệt khó khăn
Chế Tạo cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 35 km với 275 hộ dân sinh sống ở 7 bản, trong đó các bản Háng Tày, Pú Vá, và Tà Xung cách trung tâm xã từ 15 - 29 km. Háng Tày lại là bản xa nhất, điều kiện khó khăn, không chợ, sinh hoạt tự cung tự cấp, không có điện, đường ô tô và sóng điện thoại.
Với khách du lịch, vượt qua đèo Khau Phạ với chiều dài 27 km đến với Mù Cang Chải là niềm vui chinh phục thì với các thầy giáo vùng cao, đoạn đường này ngày mưa thì đường trơn trượt, ngày đông giá rét, sương mù giăng kín.
Hỏi Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Chế Tạo - Giàng A Lứ, sao trường có nhiều thầy giáo? Thầy chia sẻ: Chế Tạo là xã đặc biệt khó khăn, Trường Mầm non Chế Tạo có 3 điểm trường là Tà Dông, Kể Cả và Háng Tày thuộc khu vực khó nên một trong những ưu tiên cho nơi này là giáo viên nam.
Hiện, trường có 13 người là cán bộ quản lý và giáo viên. Do điểm trường Háng Tày mới có 2 giáo viên, không bảo đảm yêu cầu nuôi dạy trẻ nên phòng GD&ĐT điều động thầy Giàng A Sử từ Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, đến tăng cường.
Điểm trường Háng Tày có 2 lớp. Lớp ghép 4+5 với 25 học sinh và lớp đơn 3 tuổi có 20 học sinh. Lớp học nằm cheo leo trên sườn núi, đường lên là con dốc chỉ có thể sử dụng xe máy và đi bộ.
Đến gần điểm trường đã nghe tiếng hát ngọng nghịu của các em bé người Mông: “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau. Xa là nhớ, gần nhau là cười”. Thầy Giàng A Lứ giải thích: Thầy Giàng A Tu đang dạy các cháu múa hát đó. Thầy hát hay, múa giỏi, là ngôi sao của điểm trường.
Theo bà Nguyễn Hương Giang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Mù Cang Chải, Chế Tạo là xã xa nhất và cũng cách trở nhất của huyện Mù Cang Chải. Khó khăn như vậy nên phòng phải sắp xếp, tăng cường số lượng giáo viên nam. Chuyện giáo viên mầm non là nữ là bình thường, ở vùng cao khó khăn này, những thầy giáo mầm non cũng không còn lạ.
Các thầy đều là người Mông, yêu nghề, mến trẻ và hơn ai hết hiểu rõ phong tục tập quán địa phương và giao tiếp tốt với người dân nên việc dạy học đạt hiệu quả. Trong nỗ lực phổ cập giáo dục mầm non cho vùng khó khăn, dân tộc ở đây không thế thiếu vắng vai trò, đóng góp to lớn của các thầy.
Thầy Giàng A Tu lo bữa ăn cho trò |
Những thầy giáo 9X
Thầy Giàng A Tu, sinh năm 1994, quê ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, xin về dạy học tại quê hương, thầy Tu được phân công về Trường Mầm non Chế Tạo, giao dạy lớp 4 tuổi. Đứng trước những đứa trẻ miệng còn hơi sữa, thầy giáo miệng hát tay múa hết sức nhịp nhàng. Có em đứng hát theo thầy, em lại quay ra nghịch. Thầy Tu bước tới với cử chỉ hết sức nhẹ nhàng, ân cần dỗ dành để trẻ làm theo mình.
Kể về công việc của mình, thầy Giàng A Lâu cho biết: Hằng ngày, chúng tôi đón trẻ lúc 7 giờ 30 phút, cho các bé tập thể dục và bắt đầu tiết học trong ngày, rồi ăn trưa, ngủ trưa, ăn chiều… Công việc đơn giản vậy thôi ai nấy cũng cảm thấy hạnh phúc khi trẻ dù nói tiếng Việt chưa sõi nhưng đã biết hát một số bài và gọi tên các đồ vật thành thạo. Chỉ có điều lớp học là những tấm tôn quây lại nên mùa đông rất lạnh vì điểm trường ở trên cao, gió hun hút, trống trải. Đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ theo lứa tuổi không có nên các em thiệt thòi nhiều.
“Mong phòng học kiên cố thì không nhưng giá mà trẻ nơi đây cũng có đồ chơi như các bạn ở miền xuôi thì tốt biết mấy”, thầy Giàng A Lâu bộc bạch.
Phó Hiệu trưởng Giàng A Lứ, sinh năm 1991 lớn tuổi nhất và cũng có thâm niên lâu nhất, cho biết: Cũng như thầy Giàng A Tu và Giàng A Lâu, cả 3 đều còn bố mẹ già, vợ và 2 con nhỏ; vợ ở nhà không biết chữ, gia đình làm ruộng nương.
“Đúng là chúng tôi đang bỏ vợ con ở nhà để đi chăm nuôi con người, nhưng đây lại là niềm vui và hạnh phúc. Nếu không được nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục thì thiệt thòi lớn cho các em. Ở Trường Mầm non Chế Tạo, cả điểm chính và điểm bản đều khó khăn. Chúng tôi phải ăn ngủ tại trường, điểm phụ đi lại khó khăn thì có nhà tạm, điểm chính thuận lợi hơn, giáo viên phải thuê trọ. Cuối tuần mới về nhà một lần, lương giáo viên được 7 - 8 triệu đồng, quản lý như tôi thì được 8 - 9 triệu đồng, chi phí ăn uống đi lại, về đưa vợ nuôi con chẳng được bao nhiêu”, thầy Giàng A Lứ phân trần.
Sự nghiệp trồng người ở vùng cao vẫn còn đó gian khó, nhưng vượt lên những khó khăn thách thức. Các thầy giáo mầm non trên đỉnh Chế Tạo vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để ươm những mầm xanh trên núi. Có nghe những lời ca vang lên giữa đại ngàn “Trên đỉnh núi lưng đèo người Mèo ơn Đảng” và thấy được những ánh mắt thơ ngây, nụ cười tươi và niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ, mới cảm nhận được những hy sinh và hạnh phúc lớn lao của “người thầy đặc biệt” này.