Dự kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Hữu Học.
Xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu cho biết: Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, thảo luận báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan; báo cáo về giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri gửi kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10…
Tại Kỳ họp, các đại biểu và cử tri còn nghe báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh về kết quả Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV; báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; xem xét, thảo luận báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023…
Để Kỳ họp đạt kết quả cao nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu sâu, kỹ từng nội dung các tờ trình, báo cáo để có những ý kiến chất lượng tham gia vào các nội dung bàn thảo, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Các đại biểu cần thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp căn cơ để HĐND tỉnh có cơ sở quyết nghị các cơ chế, chính sách đảm bảo hiệu lực, hiệu quả khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện. Kỳ họp dự kiến thông qua 20 nghị quyết quan trọng.
Nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cho biết: Bước vào năm 2022, với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, kịp thời, phấn đấu thực hiện đạt và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, với phương châm, chủ đề điều hành “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.
Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn dự kiến đạt 18/18 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 7,22%, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 5,01%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,03%, dịch vụ tăng 6,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,53%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,1%, công nghiệp - xây dựng 24,4%, dịch vụ 49,98%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,52%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,72 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước hoàn thành dự toán giao đầu năm, ước đạt 7.909,87 tỷ đồng, đạt 100,76% dự toán, giảm 27,72% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 2.908 tỷ đồng, đạt 123,74% dự toán, giảm 9,76%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.000 tỷ đồng, đạt 90,91% dự toán, giảm 35,19%, các khoản huy động, đóng góp 1,87 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Quyết định tạm ứng 100 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho 10 huyện để thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới năm 2022. Dự ước kết quả thực hiện đến hết năm 2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 12,92 tiêu chí/xã. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước 24.451,4 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Từ quý II năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đã tạo đà phục hồi phát triển du lịch; ước đạt đón khoảng 3,5 triệu lượt khách trong năm 2022, đạt 101,16% kế hoạch…
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế. Năm 2021, Chỉ số PAR INDEX tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020; Chỉ số SIPAS xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2020; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 4/60 tỉnh, thành phố, tăng 33 bậc so với năm 2020. Hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp tục được đánh giá cao và nhận được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến đạt trên 71%.
Trong năm 2023, nhiều giải pháp về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu đưa ra. Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt trong điều hành; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; chỉ đạo tổ chức triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh việc thực hiện, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch về cải cách hành chính. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, tổ chức, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu…