Quyết sách đi vào cuộc sống
Trong thực hiện chức năng quyết định, Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Cao Bằng đã thể hiện được tính phản biện vững chắc, thuyết phục thông qua việc nêu rõ ý kiến và thể hiện quan điểm nhất trí hay không nhất trí, chỉ ra nhiều nội dung chưa phù hợp trong báo cáo, dự thảo nghị quyết. Qua đó, làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung tại kỳ họp, các nội dung thẩm tra của Ban hầu hết được UBND tỉnh, các cơ quan tiếp thu.
Đổi mới và rút kinh nghiệm qua từng kỳ họp, chủ tọa điều hành bảo đảm dân chủ, linh hoạt theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận, chất vấn làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu HĐND trong thảo luận, quyết định. Tỷ lệ đại biểu tham gia phát biểu tại tổ thảo luận ngày càng tăng lên. Thời gian tổ chức kỳ họp được rút ngắn dần, nhưng vẫn bảo đảm nội dung và chất lượng kỳ họp do công tác chuẩn bị kỹ.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Cao Bằng đã ban hành 213 nghị quyết. Hầu hết các quyết sách thông qua đến nay được thực tế khẳng định đúng đắn, phù hợp và đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển. Tiêu biểu như: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn; bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn; quy định một số mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn...
Trên 90% kiến nghị của cử tri được giải quyết
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và đưa ra những quyết định của HĐND tỉnh mang tính toàn diện, đúng đường lối, chủ trương của Đảng và ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng đã đổi mới TXCT theo hướng đa dạng hóa nội dung, hình thức như: Kết hợp tiếp xúc của đại biểu HĐND các cấp; TXCT chuyên đề “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã”; phân công đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh tiếp xúc ngoài địa phương ứng cử.
Cùng với đổi mới hình thức TXCT, việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng có sự đổi mới: Ngoài phân loại ý kiến, kiến nghị theo lĩnh vực, còn phân loại theo mức độ cấp thiết, bức xúc của nội dung kiến nghị; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiến hành thường xuyên. Nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, xử lý và báo cáo cụ thể về kết quả cũng như các tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân để cử tri hiểu rõ. Những kiến nghị chính đáng, cấp thiết của cử tri đã được UBND tỉnh xem xét giải quyết đạt 90%, góp phần củng cố niềm tin và tạo sự phấn khởi trong Nhân dân.
Tăng cường chủ động, sáng tạo
Bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, việc giám sát, đôn đốc thực hiện ý kiến, kiến nghị cử tri, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, các lời hứa sau chất vấn của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh có lúc còn chậm và chưa quyết liệt. Nội dung giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh chưa thực hiện được. Chất lượng một số cuộc thẩm tra, giám sát chưa cao… Nguyên nhân do năng lực và kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế; các đại biểu HĐND tỉnh kiêm nhiệm bị chi phối nhiều bởi công việc tại nơi làm việc chính…
Kinh nghiệm cho thấy, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Cùng với đó, phải giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, lựa chọn những đại biểu có trình độ, năng lực, tâm huyết, có uy tín thực hiện nhiệm vụ, coi trọng việc kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, tăng cường đại biểu hoạt động chuyên trách có chất lượng làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động của HĐND. Đây thực sự là điều kiện quan trọng, bảo đảm cho HĐND hoạt động hiệu quả.
Quá trình hoạt động, rất cần sự chủ động sáng tạo của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND nhằm đưa ra những cải tiến, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với từng điều kiện cụ thể là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Đặc biệt, gắn bó chặt chẽ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri; quyết liệt, thường xuyên hơn trong giám sát, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân. Chú trọng bố trí cán bộ, chuyên viên tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc, tăng cường điều kiện về kinh phí, phương tiện bảo đảm hoạt động của HĐND.