Nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt
Trong mấy chục năm qua, đội ngũ nhà giáo đã hùng mạnh hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới, thực trạng đội ngũ nhà giáo vẫn bất cập cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu.
Tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 2.6, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến thẳng thắn chỉ ra một bộ phận nhà giáo chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Giám sát và đánh giá việc bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo trong việc tổ chức thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 cũng cho thấy tồn tại dai dẳng bất cập về động lực, năng lực và cơ cấu của đội ngũ trước yêu cầu đổi mới, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên, bao gồm cả thiếu tổng thể và thừa, thiếu cục bộ.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích hai nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng trên. Một là, chế độ, chính sách về nhà giáo chưa có sự vận động phù hợp với yêu cầu ngày càng cao đối với nhà giáo, khiến nghề dạy học thiếu sự thu hút cần thiết. Hai là, quản lý nhà nước về nhà giáo cũng chưa có sự đổi mới để phù hợp với nhận thức mới về nhà giáo và nghề dạy học.
“Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm góp phần giải quyết một cách căn cơ vấn đề thứ nhất, đặc biệt sẽ tạo vị thế cần thiết, bản sắc cần có, không gian để sáng tạo, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Để giải quyết vấn đề thứ hai, những bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo cần được nhận diện thẳng thắn, nghiêm túc để có quy định phù hợp trong nội dung và cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo”, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến nói.
Trong thể chế giáo dục nước ta, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có quyền thống nhất quản lý về chuyên môn của giáo dục; Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục; Bộ Tài chính thống nhất quản lý về tài chính của giáo dục.
Theo các chuyên gia, sự phân công như vậy không còn phù hợp trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục khi mô hình quản lý nhà nước về giáo dục từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới.
Theo đó, nhà giáo phải được điều chỉnh trong một khung pháp lý đặc thù. Khung pháp lý đó phải lấy nhà giáo là trung tâm, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, coi nhà giáo là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục, cần được phát triển để bảo đảm thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục.
Xây dựng khung pháp lý kiến tạo
Nhiều chuyên gia kỳ vọng Luật Nhà giáo phải là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo, khắc phục việc quản lý nhà giáo theo hướng quản lý nhân sự. Theo đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được giao cho ngành giáo dục và được phân cấp cụ thể từ bộ tới sở, phòng và các cơ sở giáo dục. Từ thực tiễn tại cơ sở, ĐBQH, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, Luật Nhà giáo cần xây dựng trên cơ sở có các quy định cao hơn, sâu sắc hơn đối với nhà giáo, bởi lẽ Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đều đã có quy định cụ thể đối với nhà giáo. Trong đó, cần đặc biệt làm rõ vị thế của nhà giáo.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, GS. VS. Đào Trọng Thi, lực lượng nhà giáo không nằm trong tập hợp viên chức mà phải được coi là một bộ phận tiêu biểu, một bộ phận tinh hoa trong tập thể viên chức, trong lực lượng lao động. “Là bộ phận tinh hoa bởi đối với nhà giáo phải đặt ra tiêu chuẩn rất cao, rất sâu về chuyên môn nghiệp vụ.
Đối với nghề giáo phải đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, đạo đức, để mỗi nhà giáo đều là tấm gương giáo dục học trò. Với hai đặc điểm đó, nhà giáo phải được xem là một bộ phận đặc biệt của viên chức, của người lao động. Hiểu như thế cũng để thấy rằng hiện nay sự phân công trách nhiệm, vai trò, thẩm quyền của ngành giáo dục đối với nhà giáo là chưa phù hợp”.
GS. VS. Đào Trọng Thi nêu thêm, hiện nay, quản lý nhà nước ngày càng quan tâm trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, trong đó có quyền tự chủ về quản lý nhân sự. Như vậy, vai trò của ngành giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục địa phương ngày càng quan trọng trong quản lý đội ngũ nhà giáo. Hướng đi này càng đặt ra yêu cầu có Luật Nhà giáo để bảo đảm sự khách quan, bởi quản lý nhà giáo phải quan tâm nhiều hơn đến tính chất chuyên môn, đặc thù nghề nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Không có nền giáo dục nào phát triển vượt qua được sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả đổi mới giáo dục phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.
“Dự án Luật Nhà giáo xác định tư tưởng nhất quán là kiến tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, thăng tiến trong nghề nghiệp cho đến khi nghỉ hưu.
Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý tinh tế và chuyên biệt, trong đó nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường thăng tiến của mình, có vậy mới đem lại thành công cho người học và sự hài lòng của xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.