70 năm ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 - 10.10.2022)

Làm sách đàng hoàng và nghĩa tình

Trong bối cảnh ngành xuất bản đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, NXB Trẻ vẫn theo đuổi cách làm sách “đàng hoàng và nghĩa tình”. Đây có thể coi là bí quyết thành công của đơn vị xuất bản này khi thu hút, giữ chân được nhiều tác giả uy tín và khó tính.

Làm sách đàng hoàng và nghĩa tình -0
Bộ sách đặc biệt của các tác giả phía Bắc nổi tiếng được NXB Trẻ phát hành nhân dịp 20 năm thành lập chi nhánh tại Hà Nội

10 năm, gần 400 đầu sách của hơn 100 tác giả, tổ chức hơn 120 sự kiện giao lưu, ra mắt sách. Làm thế nào chi nhánh một nhà xuất bản của một tổ chức đoàn thể địa phương tại Hà Nội có được kết quả này? Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Giám đốc NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà khẳng định: “Chúng tôi luôn cố gắng giữ được 4 chữ coi như nguyên tắc cũng là giá trị cốt lõi bao năm qua định hình thương hiệu NXB Trẻ: đàng hoàng nghĩa tình, đàng hoàng trong công việc, nghĩa tình trong ứng xử, thực hiện sứ mệnh nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức”.

NXB Trẻ là cơ quan xuất bản trực thuộc Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh, ra đời năm 1981, tiền thân là NXB Măng Non. Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả cả nước, nhất là độc giả Hà Nội và phía Bắc, ngày 23.9.2002, NXB Trẻ đã mở chi nhánh tại Hà Nội. Cho đến nay, đây là nhà xuất bản địa phương duy nhất đặt chi nhánh tại thủ đô.

“Người ta nói dĩ bất biến, ứng vạn biến. Mỗi thời có cách giải quyết khác nhau cho các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nhưng cái bất biến của NXB Trẻ được các anh chị đi trước truyền lại cho chúng tôi là phải giữ được hai chữ đàng hoàng. Làm sách đàng hoàng và làm ăn đàng hoàng. Sách có thể có cuốn hay, có cuốn chưa hay, nhưng phải làm sách với tất cả niềm đam mê nghề nghiệp, trân trọng tác phẩm tới cùng” - ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Giám đốc NXB Trẻ giải thích.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, đã làm sách thì phải biết trân trọng tác phẩm, sáng tạo của các tác giả. Có tác phẩm in nhiều, cũng có tác phẩm in ít, nhưng đứng trước tác giả, nhà xuất bản không được nhăn mặt nhíu mày. “Đừng đem tư duy con buôn vào xuất bản sách mà phải lấy nhiệm vụ phát hành và kinh doanh sách để phục vụ trở lại việc làm sách... Không phải tác giả viết xong đi năn nỉ nhà xuất bản chọn in. Nhà xuất bản phải chủ động đi tìm, đặt hàng, năn nỉ tác giả cho được in sách”.

Kỷ niệm sâu sắc nhất với ông Nguyễn Minh Nhựt khi làm Giám đốc NXB Trẻ là lần “xả thân tiếp quân tử” Hà thành cách đây 10 năm, để rồi sau đó tạo nên đột phá về đề tài cho NXB Trẻ, được nhiều nhà văn ở Hà Nội tin tưởng gửi bản thảo, như Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Chiến, Nguyễn Trương Quý…; đồng thời nhà xuất bản cũng làm bà đỡ cho nhiều tác giả mới.

Nhà thơ Hữu Việt kể, khi anh trai ông là tác giả Bình Ca gửi bản thảo Quân khu Nam Đồng, ông đã gợi ý nên gửi in ở NXB Trẻ. “Anh hỏi tôi tại sao lại chọn NXB Trẻ, vì thời điểm đó anh không biết gì về ngành xuất bản cả. Tôi bảo, thứ nhất, đó là nhà xuất bản có đội ngũ biên tập viên giỏi, có thể chăm chút, nâng tầm bản thảo. Thứ hai, họ có đội ngũ cộng tác viên mỹ thuật tốt nhất. Thứ ba, họ là những người trung thực. Và thứ tư, đấy là nhà xuất bản dành cho đội ngũ tác giả, cộng tác viên nghĩa tình nhất, từ cuốn sách đầu tiên cho tới những cuốn sau này, tình cảm không thay đổi”.

TS. Nguyễn Thụy Anh cũng bị hấp dẫn khi làm việc với từng cá nhân của NXB Trẻ, “duyên dáng, trí tuệ và tình cảm”, không chỉ trong cách làm sách mà còn cả ở sự chia sẻ như những người bạn. Cách ứng xử mà TS. Nguyễn Thụy Anh gọi là “lạt mềm buộc chặt” ấy khiến cộng tác viên không thể nào rời đi. “15 năm gắn bó, tôi có độ tin tưởng ở sự cẩn trọng của NXB Trẻ. Khi làm việc với một tác phẩm nào đó, họ trao đổi rất kỹ, thậm chí còn đọc thêm để hiểu hơn về tác giả. Điều đó cho thấy sự chia sẻ với cộng tác viên và sự trân trọng, trách nhiệm với nghề”.

Từng là Giám đốc - Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn nhưng nhà văn Trung Trung Đỉnh chưa bao giờ nghĩ đến việc tự làm cho mình một bộ sách. Vì thế, “tôi biết ơn NXB Trẻ và xúc động vô cùng khi sinh nhật năm 70 tuổi được làm cho một bộ sách”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng, với người Việt Nam, quan trọng nhất là thái độ, ở đây là ứng xử của nhà xuất bản với cộng tác viên. Nếu ứng xử không chân thành sẽ không đến được với nhau chứ chưa nói đến việc cộng tác, phụng sự người đọc. Và có lẽ trong bối cảnh hiện nay, chỉ sự chân thành và tận tâm với nghề mới giúp cho những người làm xuất bản trụ vững và phát triển, như trường hợp của NXB Trẻ.

Văn hóa

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.