- Tập huấn phổ biến Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và hoạt động bảo vệ môi trường cho các cán bộ quản lý, chuyên môn về lĩnh vực tài nguyên, môi trường
- Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn
- UB Kinh tế thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị
- Tham vấn ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Công khai quy hoạch đầy đủ, chi tiết
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho rằng, để hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, cần chú trọng nội dung tiếp cận thông tin quy hoạch. Đại biểu chỉ rõ, tại Điều 52 dự thảo Luật chưa có quy định về tiếp cận thông tin quy hoạch.
Hiện, việc đăng tải thông tin quy hoạch vẫn còn một số địa phương chưa công bố đồng đều, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tra cứu. Chỉ ra thực tế này, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước phải được đăng tải đầy đủ như: quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ… Đồng thời, cần quy định bản chụp phải rõ ràng.
Liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, tại Điều 10 dự thảo Luật có đề cập đến 3 nguồn kinh phí, đó là: nguồn đầu tư công từ ngân sách nhà nước; kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, có quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng, quản lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đối với Thủ trưởng cơ quan, Bộ Xây dựng, UBND các cấp trong từng nhiệm vụ cụ thể.
Có ý kiến đề xuất bổ sung nội dung quy định giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tài trợ vào nguồn ngân sách dành cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với trường hợp tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ “bằng hình thức kết quả nghiên cứu phục vụ công tác lập quy hoạch”, để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
Bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông
Cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá triển khai phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đặc biệt, liên quan đến việc xây dựng tiêu chí, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược quân sự, quốc phòng.
Tại Khoản 19 Điều 3 dự thảo Luật quy định về “Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản”, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “chế biến khoáng sản”. Bởi, chế biến khoáng sản là công đoạn hoạt động sau khi đã khai thác và được định nghĩa riêng tại Khoản 20, Điều 3.
Trường hợp nếu gộp chung thì sẽ trùng lắp nội dung tại 2 Khoản 19 và 20 Điều 3 của dự thảo Luật. Đồng thời, còn mâu thuẫn với Điều 4, 5 và 6 quy định thuế tài nguyên xác định trên cơ sở sản lượng tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, mà sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên là sản lượng và giá của khoáng sản nguyên khai tại mỏ, đã khai thác nhưng chưa qua chế biến.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung vào Điều 111 đự thảo Luật quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai. Cùng với đó, quy định trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản.
Đề cập về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Điều 103 dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại dự thảo Luật là phù hợp. Bởi, tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Mặt khác, việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng với thuế tài nguyên.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản tại Điều 15 dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị, bạn soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để có phương án phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW, vừa bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.