Sáng 1.12, VUSTA tổ chức hội thảo “Giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đối với đất nước”. Hội thảo nhằm chuẩn bị cho việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, Khóa X ngày 6.8.2008 về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Lực lượng đông nhưng thiếu trầm trọng chuyên gia đầu ngành
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng nêu rõ, Nghị quyết số 27 được coi là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác trí thức. Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW, trong đó đánh giá: Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 27, Liên hiệp Hội Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về tô chức và hoạt động, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, Liên hiệp Hội Việt Nam hiện có 156 hội thành viên (trong đó có 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Tổng hội, hội khoa học kỹ thuật và hiệp hội nghề nghiệp). Bên cạnh đó, khoảng 580 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, 69 cơ quan báo chí với hơn 400 ấn phẩm các loại. Hình thành mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực và đã tập hợp, thu hút được khoảng 3,3 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước…
Tuy nhiên, VUSTA đánh giá, nhận thức về vai trò, vị trí của trí thức vẫn chưa đồng đều. Một số nội dung quan trọng của Nghị quyết số 27 thể chế hóa chậm hoặc chưa được cụ thể hóa, một số văn bản của Nhà nước chưa thống nhất với văn bản của Đảng. Đội ngũ trí thức khá đông nhưng thiếu nghiêm trọng chuyên gia đầu ngành, nhất là các ngành mũi nhọn. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn những bất hợp lý về chuyên môn, ngành nghề, độ tuổi. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Cơ chế hành chính quan liêu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục…
Xây dựng cơ chế đãi ngộ thỏa đáng
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận đánh giá về kết quả đạt được khi triển khai Nghị quyết số 27, chỉ ra hạn chế, nguyên nhân, đề xuất nhiều giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới.
Theo các đại biểu, phần lớn nội dung của Nghị quyết số 27 vẫn còn giá trị, song trong bối cảnh mới, cần ban hành Nghị quyết mới về đội ngũ trí thức, hoặc phải có kết luận nhưng phải cụ thể ở giải pháp chính sách, trong đó có luật hội.
Các đại biểu cũng đồng thuận cho rằng, cần nâng cao nhận thức của xã hội đối với đội ngũ trí thức cũng như nâng cao vị thế của đội ngũ trí thức và các tổ chức hội. Bởi theo ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng, hiện nay khi làm việc với một số Sở ngành rất khó khăn vì có tâm lý coi Hội là của những người về hưu nên ít nhiều chưa coi trọng. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường, điều kiện cho đội ngũ trí thức làm việc; có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng họ; củng cố, nâng cao chất lượng của các hội, đội ngũ trí thức.
Nêu dẫn chứng có nhà khoa học làm công trình trong 3 tháng mang lại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ được nhận khoảng 140 USD, TS Phạm Văn Tân, nguyên Tổng thư ký VUSTA cho rằng, cần có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức; đồng thời có cơ chế để thu hút họ tham gia công tác tham vấn xây dựng chính sách một cách có hệ thống.
Chia sẻ với những ý kiến trên, GS. Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, điều quan trọng là phải chấp nhận sự khác biệt trong sáng tạo. Ông Khải đề xuất cần tiếp tục tổ chức các diễn đàn khoa học, tạo cơ chế đối thoại, trao đổi, chia sẻ, dẫn đến sự đồng thuận thay vì dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn chặn. Cùng với đó, việc tổng kết thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ trí thức cần được tổ chức thường xuyên, trên cơ sở đó kịp thời có điều chỉnh, bảo đảm chính sách được thực thi trong thực tế.