
Tại huyện Đăk Tô, từ 2021 đến nay đã phê duyệt 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho gần 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Đồng thời, phê duyệt 27 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại cộng đồng để hỗ trợ 165 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Việc triển khai hỗ trợ kịp thời và nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động vượt khó, vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đăk Tô Phạm Thị Hiền cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức chức 65 cuộc tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo với hơn 3.000 lượt người tham gia. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đã có những hướng dẫn cụ thể từ hình thức đến triển khai các nhiệm vụ trong hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Ông A Chính - già làng thôn Măng Rương, xã Văn Lem chia sẻ, để công tác giảm nghèo được triển khai có hiệu quả, ông thường xuyên phối hợp với trưởng thôn, các đoàn thể truyên truyền cho bà con thông qua các buổi họp thôn. Riêng đối các hộ nghèo, cận nghèo khi được Nhà nước hỗ trợ thì trưởng thôn đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn để các hộ sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS huyện Đăk Tô được nâng lên rõ rệt, kinh tế phát triển không ngừng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm hằng năm trên 3%; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng thắt chặt, lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương được giữ vững.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2024 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh 325,739 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 171,101 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 154,638 tỷ đồng), ngân sách tỉnh đối ứng 30 tỷ đồng, các đơn vị, địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác 13,755 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn trên, các địa phương đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 58 công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó có 8 công trình xây dựng mới, 20 công trình chuyển tiếp từ năm trước và 30 công trình được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp. Các công trình này phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn theo sát việc thực hiện dự án của các hộ dân; tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ người dân các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại các địa phương của tỉnh Kon Tum trong thời gian qua đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo, đặc biệt là ở các xã khó khăn đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Từ đó, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.