Kon Tum là địa phương có nhiều đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguyên nhân do diện tích đất sản xuất ít, điều kiện canh tác không thuận lợi, phương thức canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất và kỹ năng lao động của người dân còn thấp khiến cho việc triển khai mục tiêu giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc định hướng nghề, đào tạo nghề cho đồng bào DTTS luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, với phương châm “hỗ trợ cần câu, không cho con cá” và mục tiêu của tỉnh đề ra là đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 14.800 lao động, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề, được cấp bằng cấp, chứng chỉ…
Cụ thể, định hướng ngành nghề đào tạo của tỉnh gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, như: Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Phát triển du lịch nông thôn; đào tạo “giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề”; chú trọng đào tạo nghề liên quan đến sản xuất các mặt hàng OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn…
Đăk Glei là một trong những “điểm sáng” trong thực hiện đào tạo nghề. Giai đoạn từ 2024 đến nay, huyện Đăk Glei đã hoàn thành đào tạo 5 lớp dạy nghề với 156 học viên, đạt 74,2% so với chỉ tiêu của huyện giao, tập trung vào các nghề trồng và chăm sóc cà phê, mắc ca; dạy nuôi và phòng bệnh cho gia súc…
Song song với việc đào tạo nghề, huyện Đăk Glei quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ các chính sách về tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người dân, từ đó giúp người dân khu vực nông thôn có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Năm 2024, thôn Đăk Bla mở lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây mắc ca xen trong vườn cà phê, chăn nuôi, và được vay vốn ưu đãi của Nhà nước.
Chị Y Nhéo, 45 tuổi, dân tộc Giẻ - Triêng đã cùng bà con trong thôn đăng ký tham gia lớp học. Năm 2023, chị Y Nhéo được hỗ trợ 25 cây mắc ca giống, để trồng xen trong vườn cà phê, được hướng dẫn, hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật chăm sóc, gia đình chị nghiêm ngặt thực hiện chăm sóc cây mắc ca theo từng bước nhưng số lượng cây phát triển không đồng đều.
Thật may, chị được tham gia lớp đào tạo nghề, chị chủ động học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, quy trình mới trong khâu chăm sóc và thực sự dễ nắm bắt hơn khi các cán bộ trực tiếp thực hành tại vườn nhà, chỉ ra những nguyên nhân khiến cây chậm phát triển, cách chăm sóc, bón phân phù hợp. Chị cùng bà con trong thôn nhận thấy cây mắc ca là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Ngoài việc phát triển trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê, chị Y Nhéo đã mạnh dạn vay vốn mua bò sinh sản, đến nay, nguồn thu nhập trong gia đình chị Nhéo dần ổn định, và đã thoát nghèo từ năm 2022.
Tương tự như ở huyện Đăk Glei, huyện Đăk Tô cũng xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dược liệu ở huyện Đăk Tô với diện tích khoảng 300ha cùng sự tham gia của gần 50 hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã mang lại thu nhập cao cho các hộ. Điển hình như hộ chị Y Chim (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) từ khi chuyển sang trồng 2ha dứa xen canh cây mắc ca, vụ đầu tiên, riêng diện tích dứa đã cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trồng sắn trước đây; hộ chị Y Lan (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm), khi chuyển đổi một phần đất từ trồng sắn sang trồng gừng, sau vài vụ gừng cho thu hoạch, gia đình chị có nguồn thu nhập tốt hơn.
Từ những mô hình chuyển đổi sản xuất, có được nguồn thu nhập ổn định của các chị, đến nay nhiều hộ nghèo ở Đăk Glei sau khi được học nghề đã xin tham gia hợp tác xã và tổ sản xuất, tiến hành chuyển đổi sản xuất bước đầu có nguồn thu ổn định.
Hiệu quả bước đầu của chính sách đào tạo nghề Kon Tum cho thấy hướng đi đúng đắn và sáng suốt trong việc lựa chọn chiếc “chìa khóa” để giảm nghèo cho người dân. Đó là cơ sở để hai tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cho những năm tiếp theo. Đồng thời, rút ra những bài học để hoàn thiện việc thực hiện chính sách, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo.