Yếu tố then chốt bảo đảm sự đồng thuận
Sau thời gian nghiên cứu khoa học, chuẩn bị công phu, tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã theo đúng các hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị… Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: với diện tích 16.486km2, quy mô dân số hơn 3,8 triệu dân, tỉnh Nghệ An có 20 ĐVHC cấp huyện, 412 ĐVHC cấp xã. Theo đó, phương án sắp xếp giảm 282 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 68,45%), còn 130 ĐVHC (119 xã và 11 phường).

“Trong đề án, có 16/20 huyện dự kiến đặt tên ĐVHC cấp xã theo tên của ĐVHC cấp huyện trước sắp xếp, gắn với số thứ tự; 4 huyện đặt tên ĐVHC cấp xã theo yếu tố lịch sử, văn hóa, địa danh của địa phương. Có 2 đơn vị đặc thù là xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) và phường Cửa Lò (TP. Vinh) đặt tên địa danh có yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa”, ông Hưng thông tin.
Cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, sắp xếp ĐVHC cấp xã, thực hiện mô hình chính quyền hai cấp được Nghệ An xác định là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp và có thể gây ra những tác động lớn đến các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, phương án sắp xếp được Nghệ An thực hiện từng bước cẩn trọng, khách quan và tính toán kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, địa giới hành chính; đồng thời, cân nhắc kỹ các yếu tố, như: trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân cũng như bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc; bảo đảm khối đại đoàn kết gắn bó của cộng đồng.
Song song với đó, trên cơ sở Kế hoạch số 252 của UBND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri - yếu tố then chốt bảo đảm sự đồng thuận, những ngày này, các huyện, thành, thị của tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành công tác lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo ghi nhận, hầu hết người dân đều bày tỏ đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã; các chi bộ, cán bộ, đảng viên cũng nắm rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy… Đây không đơn thuần là việc sáp nhập hành chính, mà còn là thực hiện phân cấp, phân công về thẩm quyền, bố trí lại ĐVHC phù hợp, bảo đảm chính quyền địa phương gần dân, sát dân hơn nữa.
Trong cuộc làm việc mới đây của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã đề nghị các huyện, thành, thị tập trung nghiên cứu dự thảo đề án, tuyên truyền rộng rãi để cử tri tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ đồng thuận cao nhất; đồng thời, tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện, xã để xem xét, thông qua chủ trương bảo đảm hoàn thành trước ngày 25.4.2025… Trên cơ sở đó, hoàn thành hồ sơ gửi Sở Nội vụ để trình kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh xem xét thông qua dự kiến vào ngày 28.4 tới.
Lấy người dân làm trung tâm
Nhấn mạnh phía trước còn nhiều thách thức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nêu rõ: quá trình sắp xếp bộ máy tuyệt đối không buông lỏng công tác lãnh đạo, bảo đảm công việc tiến hành thường xuyên, liên tục; không để trống địa bàn, làm gián đoạn, bỏ sót công việc… Đối với phương án đặt tên các xã, cần cân nhắc kỹ lưỡng, tạo đồng thuận, nhất là cần gìn giữ được yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử của địa phương.

UBND tỉnh Nghệ An họp cho ý kiến vào dự thảo Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh
Nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các ĐVHC cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ hướng dẫn các địa phương sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phù hợp, minh bạch; khâu tiếp nối phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan trong xây dựng và thông qua đề án; định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ đề án theo quy định… “Các huyện, thành phố, thị tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương sắp xếp; đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tham mưu phương hướng giải quyết khi có vấn đề xảy ra”, ông Lê Hồng Vinh đề nghị.
Để bảo đảm hoàn thành công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã theo đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và kế hoạch đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc sắp xếp và đưa mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động ổn định… Đồng thời, chủ động quán triệt, tuyên truyền định hướng dư luận, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt, chủ động nắm bắt tâm tư của người dân, nhất là tại các vùng đặc thù; tránh việc bỏ trống thông tin để các đối tượng chống phá lợi dụng.
“UBND tỉnh cần phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự đối với ĐVHC cấp xã sau sắp xếp bảo đảm phù hợp theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị; ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm để bảo đảm hiệu quả công việc…”, ông Trung nhấn mạnh.
Với sự quyết liệt, khẩn trương cùng với cách làm khoa học, đúng quy định, chủ trương sắp xếp lại ĐVHC cấp xã đã nhận được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trên địa bàn… Tin rằng, sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Nghệ An sẽ cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều đổi mới, sáng tạo và thành công mới.