Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, niên vụ cà phê 2022 địa phương này có trên 24.000ha cho thu hoạch, với tổng sản lượng thu khoảng 62.500 tấn. Đến thời điểm hiện tại, đa số bà con nông dân đều đã thu hái, phơi và bán hết cho các thương lái, đại lý.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum Bùi Đức Trung, 65.000đ/kg là mức giá kỷ lục mà ngành nông nghiệp ghi nhận. Đa số người dân đều đàm phán với thương lái ở thời điểm thu hoạch quanh mức 34.000đ – 35.000đ/kg và bán ngay sau khi thu hái và phơi.
Lượng cà phê dự trữ trong dân và doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để chế biến sâu và phục vụ cho các hợp đồng đã được ký kết. Do đó, từ đợt tăng giá đột biến này, chỉ có một bộ phận số ít người sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp chế biến được hưởng lợi từ lượng cà phê dự trữ.
Theo ông Bùi Đức Trung, giá cà phê tăng đột biến do hai nguyên nhân. Thứ nhất là lạm phát đã khiến các chi phí sản xuất, chế biến, logistic tăng cao; thứ hai là do nguồn cung cà phê của thế giới có sự biến động theo chiều hướng giảm.
Một nỗi lo của ngành nông nghiệp tỉnh là khi giá cà phê tăng cao sẽ dẫn đến nguy cơ bà con nông dân chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng cà phê, gây “vỡ” quy hoạch diện tích cây trồng của tỉnh.
Phó Chi cục trưởng Bùi Đức Trung cho biết, hiện nay, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang được thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, diện tích cà phê của tỉnh sẽ ổn định ở khoảng 25.000ha.