Chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác phối hợp liên ngành
Tỉnh Nghệ An có 5 huyện, thị xã và 34 xã, phường ven biển có hoạt động nghề cá. Toàn tỉnh có 3.374 tàu cá khai thác hải sản các loại, trong đó 2.471 chiếc thuộc diện phải đăng ký, cấp phép. Tính đến ngày 10.10.2023 toàn tỉnh có 2.241 trong tổng số 2.471 tàu đã được cấp phép còn hạn (đạt 90,69%). Số tàu khai thác vùng khơi là 1.116 chiếc, đây là nhóm tàu có cường lực khai thác lớn, phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Hiện số tàu đã lắp thiết bị giám sát là 1.069 chiếc, đạt tỷ lệ 95,79%.
Sau gần 6 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, gỡ “Thẻ vàng” theo khuyến nghị của EC, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực. Tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU như: hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực tại cảng cá…; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 265/CĐ-TTg.
Thực thi Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 66 văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác chống khai thác IUU, giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển. Trong đó, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho ngư dân phát triển sản xuất bền vững, chống khai thác IUU đã được ban hành, như: chương trình phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; nghị quyết hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT, cước phí duy trì tín hiệu, kinh phí chuyến biển cho tàu cá vùng khơi; hoàn thành nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản vùng ven bờ và vùng lộng tỉnh Nghệ An, đề xuất các giải pháp khai thác bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nằm trong nỗ lực phát triển kinh tế biển bền vững, tỉnh hiện đang triển khai nhiệm vụ chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau hơn 6 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Nghệ An đã tổ chức, tham gia 18 cuộc họp, kiểm tra để đánh giá tình hình, kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Từ kết quả các cuộc họp, nhiều Kế hoạch hành động được thông qua trở thành giải pháp “vàng” mang lại chuyển biến tích cực cho công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tại Nghệ An như: kế hoạch phối hợp số 1249/KHPH-SNN-BCHBP ngày 19.4.2021 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trong công tác quản lý tàu cá, giám sát, kiểm tra tàu cá trên biển, trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa hai lực lượng; kế hoạch phối hợp số 3870/KHPH-BTL-NNPTNT ngày 06/9/2022 giữa Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An trong thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và cử cán bộ trực tiếp tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên tàu Cảnh sát biển. Ngoài ra, Nghệ An còn phối hợp với các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kịp thời can thiệp, thông báo cho nhau và xử lý những trường hợp tàu cá vi phạm và có dấu hiệu vi phạm.
Đa dạng lực lượng chống khai thác IUU
Công tác tổ chức, bộ máy và phân công nhiệm vụ chống khai thác IUU trong những năm qua được UBND tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan. Ngoài hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá Nghệ An và UBND các huyện, thị xã, thành phố còn có Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cấp tỉnh, cấp huyện; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Ngoại vụ; Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh và 04 Tổ liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá đặt tại 4 cảng cá Quỳnh Phương, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Hội.
Việc đa dạng lực lượng tham gia công tác phòng chống khai thác IUU đã mang lại những hiệu quả tích cực, sâu, rộng đồng thời có tính lan tỏa cao. Cụ thể, trong hơn 6 năm hoạt động, Ban chỉ đạo IUU Nghệ An đã tổ chức, tham gia 24 cuộc họp, kiểm tra để đánh giá tình hình, kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Kết luận mỗi cuộc họp được UBND tỉnh kịp thời ban hành thông báo để các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan quán triệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hàng năm, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương, Tổ Liên ngành, Cảng cá để kịp thời nắm bắt tình hình tham mưu UBND tỉnh, ra văn bản hướng dẫn, đôn đốc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Tại Nghệ An, công tác phòng chống khai thác IUU được triển khai một cách đồng bộ, tuyệt đối không để diễn ra tình trạng trên nóng dưới lạnh. Văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển thực hiện nghiêm túc, trong đó yêu cầu người đứng đầu đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng vi phạm khai thác IUU diễn ra. Đồng thời, 5 huyện, thị xã ven biển cũng có Ban Chỉ đạo về IUU để chỉ đạo công tác IUU tại địa phương được tập trung, sâu sát, tác động đúng điểm đích của mục tiêu các văn bản đề ra. Việc “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đã mang lại nhiều kết quả, chuyển biến tích cực cho Nghệ An trong nỗ lực chung gỡ bỏ thẻ vàng EC.