Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27.11, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật, trong đó có các quy định về phân cấp, phân quyền, phát triển khoa học - công nghệ…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ đô Hà Nội, cùng với các đô thị lớn của nước ta như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đang gánh vác những trọng trách như vậy.
Vì thế, đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương về “tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”.
Điều này cũng sẽ tạo sự linh hoạt cho thành phố Hà Nội, nhất là khi một số quy định về điều chỉnh quy hoạch đã được thể hiện tại các nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng và mới đây nhất là thành phố Hồ Chí Minh đã được cho phép.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật một điều, khoản để việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn. Vấn đề này đã được nhắc tới nhiều năm qua nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ và đội ngũ các nhà khoa học lớn nhất cả nước, là nơi có các viện hàn lâm khoa học, đại học quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Do đó, theo đại biểu Tạ Thị Yên, “rất cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển và phát huy hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ trên thực tế, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn ở quy mô quốc gia, cũng như quy mô ngành, lĩnh vực, địa phương rất khẩn trương như hiện nay”.
Để tránh khó khăn, lúng túng trong việc lượng hóa, đo đếm chỉ tiêu, mục tiêu, hiệu quả cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết hơn nhằm tăng tính khả thi, hiệu lực của các điều luật về phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.