Theo đó, tại Hội thảo, các đại biểu và các hợp tác xã, bà con nông dân cùng nhau thảo luận, nghiên cứu và đề xuất cơ chế chính sách, từ đó giúp tỉnh Hậu Giang có định hướng chỉ đạo thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, để thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 phải triển khai 28.000 ha; đến năm 2030 phải tăng lên 46.000ha và thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện, thành phố.
Theo số liệu từ cuối năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai các mô hình cấp huyện, thành phố với tổng diện tích gần 300 ha, còn khá thấp so mục tiêu đề ra. Do vậy, Hội thảo lần này cần đặt ra mục tiêu, định hướng triển khai Đề án một cách quyết liệt, mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung của 4 nhà, đó là: Nhà nông – Nhà Doanh nghiệp – Nhà Khoa học – Nhà nước; từ đó giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Đề án tại Hậu Giang đạt kết quả cao như mục tiêu đề ra.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất lại một cách đồng bộ, đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với hợp tác xã gắn với đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng lúa với các biện pháp canh tác bền vững.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung thảo luận và gợi mở đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn như tác động của biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng vùng sản xuất lúa gạo của người dân; cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao thủy lợi còn hạn chế, các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi còn thiếu và ít…
Thông qua phần tọa đàm, các đại biểu được nghe chia sẻ của các diễn giả đại diện cho mối liên kết 4 nhà trong chuỗi giá trị lúa gạo để giải đáp các thắc mắc, thống nhất kế hoạch triển khai giúp cho việc xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo tại Hậu Giang ngày càng phát triển, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn liền với tăng trưởng xanh theo chủ trương của Chính phủ đã đề ra.
Giám đốc Agribank Hậu Giang Lê Viết Quyền chia sẻ, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các Chi nhánh thuộc vùng đề án 1 triệu ha làm việc với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm bắt đầy đủ thông tin, tình hình triển khai Đề án, tiếp cận người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án để cung ứng nhanh chóng, kịp thời các sản phẩm dịch vụ của Agribank cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời ưu tiên nguồn vốn và áp dụng giảm lãi suất phù hợp đáp ứng nhu cầu của các đối tượng.
Tại 6 địa phương triển khai đề án của tỉnh, Agribank Hậu Giang đầu tư cho vay tổng dư nợ 15.303 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 80% dư nợ. Đầu tư cho vay trồng lúa khoảng 12.000 tỷ đồng; thu mua sơ chế lúa gạo khoảng 1.900 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Agribank Chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nhằm cụ thể hóa kế hoạch, đồng hành thực hiện Đề án với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 854 tỷ đồng.