Đảm bảo điện cho các ngày Lễ
Nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy phục vụ nhân dân trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30.4 và 01.5 năm 2023, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc không thực hiện các công tác trên lưới có cắt điện, làm mất điện khách hàng liên tục trong các ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Lễ 30.4 và 01.5 năm 2023 (từ 0h ngày 29.4.2023 đến hết 24h ngày 03.5.2023), trừ các trường hợp xảy ra sự cố hoặc có yêu cầu đặc biệt khác.
Trước đó, EVNHCMC đã thực hiện công tác kiểm tra và xử lý kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện, phát quang cây xanh để đảm bảo an toàn hành lang tuyến dây, phục vụ cung cấp điện an toàn và ổn định cho các ngày Lễ. Lập lịch trực tăng cường, lịch trực lãnh đạo, trực vận hành sửa chữa điện 24/24h tại đơn vị trong các ngày này. Chấp hành nghiêm chế độ trực ban, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, bố trí đầy đủ vật tư, máy phát dự phòng, phương tiện và lực lượng để tiến hành xử lý nhanh chóng khi có sự cố xảy ra.
EVNHCMC cũng đã chủ động, phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh đối với các công trình điện, tuyên truyền ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp bắn pháo giấy tráng kim loại và ném các vật lên đường dây gây vi phạm hàng lang tuyến dây; thực hiện công tác bảo vệ an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu vực trọng điểm về chính trị, kinh tế - xã hội, các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi giải trí và các khu vực tổ chức hoạt động chào mừng Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30.4 và 01.5.
Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo điện mùa nắng nóng
Hiện tại lưới điện TP. Hồ Chí Minh đang có mức độ dự phòng công suất truyền tải là 43% (chưa kể các công trình đang cải tạo và xây mới). Với năng lực này, EVNHCMC hoàn toàn đáp ứng được với công suất tiêu thụ cực đại hiện nay của khu vực TP. Hồ Chí Minh (ước đạt 4.735 MW, tăng 4,55% so với năm 2022. Mặc dù vậy, EVNHCMC cũng vẫn xây dựng kế hoạch cung cấp điện với các kịch bản vận hành trong điều kiện phụ tải tăng cao bất thường để chủ động nguồn điện cung cấp cho Thành phố, nhất là vào mùa khô năm nay.
Với dự báo ở mức tăng trưởng phụ tải 10% so với năm 2020, nghĩa là khi công suất cực đại (Pmax) đạt 4.972MW làm cơ sở để EVNHCMC xây dựng các kịch bản vận hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm nay. Song song đó, EVNHCMC cũng đã tính đến phương án dự phòng khi phụ tải tăng lên 15% (khi Pmax đạt đến 5.198MW) để xây dựng kịch bản vận hành phù hợp.
Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng đã thực hiện hoàn tất các công tác sửa chữa, bảo trì lưới điện để không phải cắt điện kế hoạch (bảo trì) trong giai đoạn mùa khô. Đồng thời, áp dụng triệt để các giải pháp sửa chữa điện tiên tiến để không gây mất điện cho khách hàng như thi công live-line, vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao, thay chì FCO không mất điện… Tiêu biểu là việc áp dụng đại trà công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo phương pháp CBM (sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành của vật tư thiết bị) vào lưới điện khu vực TP. Hồ Chí Minh. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành theo phương châm “Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”, thời gian thực hiện đảm bảo dưới 5 phút.
Để đảm bảo năng lực cung cấp điện cho năm 2023 và những năm tiếp theo, EVNHCMC cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng mới trạm và đường dây truyền tải. Theo đó, năm 2023 EVNHCMC sẽ khởi công 3 công trình, đóng điện 1 công trình cấp điện áp 220kV với công suất tăng thêm 876MVA công suất trạm; 47,2 km đường dây. Đối với lưới điện 110kV, sẽ khởi công 6 công trình, đóng điện 7 công trình công suất tăng thêm 441MVA công suất trạm; 124,4 km đường dây.
Khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị để làm mát, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều, kết hợp với giá điện tính theo bậc thang nên tiền điện càng tăng cao.
Để hạn chế hóa đơn tiền điện các tháng mùa khô tăng cao đột biến, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao. Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”.
Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5oC) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà. Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng. Nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng. Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.