Theo dự báo của các chuyên gia tại ADB, tại Việt Nam, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã có nhiều dấu hiệu tích cực song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn… đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm, dự kiến ngành dịch vụ tăng khoảng 8% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Tuy nhiên, thâm hụt tài khóa trong năm 2023 có thể cao hơn chỉ tiêu thâm hụt của năm là 4,4% GDP. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô… Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại trong năm 2023. Cả nhập khẩu và xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 7% trong năm nay và năm tới.
Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024… Không những vậy, các chuyên gia của ADB cũng đưa ra cảnh báo, dù Việt Nam không nằm trong nhóm nước có mức lạm phát cao so với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng dự báo tình hình thế giới thời gian tới còn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường. Điều này sẽ tác động tới giá các nguyên vật liệu đầu vào, mặt bằng giá chung, cung cầu hàng hóa và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam…
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra nhận định, những dự báo này đưa ra trong bối cảnh quý I.2023 Việt Nam có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng vào những chỉ số tăng trưởng kinh tế khả quan hơn ở quý II.2023. Để có thể đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, đòi hỏi sự tăng trưởng và nỗ lực không nhỏ của cả nền kinh tế, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những lỗ hổng trong cấu trúc của nền kinh tế.
Thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang dành những nỗ lực cao nhất để tháo gỡ những khó khăn cản trở nền kinh tế tăng trưởng bao gồm cả yếu tố thể chế, thúc đẩy đầu tư công và mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, luôn có những cảnh báo, ứng phó nhanh chóng với những rủi ro có thể xảy ra.
Mới đây, tại Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 10.4.2023 kết luận về cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng yêu cầu, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong quý II và các tháng còn lại của năm 2023, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27.1.2023, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 5.1.2023.
Trong đó, các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát số liệu tham số đầu vào, kịp thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung các phương án điều chỉnh, cập nhật các kịch bản điều hành giá cho những tháng tiếp theo, bảo đảm bám sát tình hình thực tế, nhất là việc tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đảm bảo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu đề ra.
Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, tác động đến Việt Nam; chủ động phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới để có chỉ đạo phù hợp, kịp thời trong sản xuất, kinh doanh, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Có công cụ, chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm giữ ổn định giá trị đồng tiền, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện chính sách tiền tệ của các nước thay đổi nhanh, tác động đến tỷ giá. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, thực hiện chính sách tài khóa theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và của Ban Chỉ đạo điều hành giá để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, đảm bảo nguồn cung. Chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát...