Theo ĐBQH Tạ Thị Yên, trong các loại hình lãng phí, thì lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn luôn là vấn đề phải suy nghĩ, vì nó bao trùm tất cả các giai đoạn đầu tư: từ quy hoạch, kế hoạch, đến bố trí vốn, thực hiện dự án, bàn giao, đưa vào sử dụng.
Tuy đây mới là năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, song Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, trực tiếp làm việc, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho nhiều công trình, dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn (như Nhiệt điện Thái Bình 2, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, đường cao tốc Bắc-Nam…) và nhiều dự án trong số 12 đại dự án ngành công thương tồn tại qua 2 nhiệm kỳ Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Điều này đã phục hồi được sản xuất, giải quyết nhiều điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. “Đây là những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà theo tôi, lẽ ra trong báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần làm rõ hơn trong phân tích bài toán chi phí-hiệu quả của đầu tư công”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, kết quả đạt được, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ, còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm tiến độ nhiều dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo và có ý kiến đối với các bộ, ngành, địa phương không bảo đảm tiến độ công trình, dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA gây lãng phí nguồn lực tài chính công, giảm hiệu quả đầu tư công.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ. Đây cũng là vấn đề tồn tại từ trước nhưng để quá lâu, chưa giải quyết. Các chỉ tiêu về nợ công cũng được giữ ở mức thấp hơn nghị quyết của Quốc hội cũng như so với bình quân của giai đoạn trước. Các chỉ tiêu về tiết kiệm chi thường xuyên, hiệu quả, hiệu lực chi tiêu ngân sách đều có những chuyển biến tích cực.
Khẳng định những kết quả tích cực nêu trên, song đại biểu Tạ Thị Yên cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực ngân sách nhà nước. Đó là vấn đề chậm phân bổ ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như trong Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19, nhất là chậm phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là những công trình, dự án, chương trình Quốc hội đã có nghị quyết chuyên đề, đã dự kiến bố trí nguồn vốn, nhưng thực tế cho thấy, khi “xây dựng Nghị quyết thì quyết liệt, khẩn trương nhưng khi thực hiện thì lại chậm trễ”. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã gây ra sự chậm trễ này, bởi không chỉ làm lãng phí nguồn lực tài chính công đã được bố trí, mà cũng không phát huy được nguồn lực phối hợp của xã hội.
Đại biểu Tạ Thị Yên cũng nêu một số hạn chế liên quan đến việc mua sắm công còn nhiều biểu hiện tham nhũng, lãng phí, điển hình là vụ án kit xét nghiệm Covid - 19 của Công ty Việt Á đã cho thấy một bộ phận cán bộ còn thiếu trách nhiệm, chưa tuân thủ pháp luật, tiếp tay cho nhóm người xấu tham nhũng ngân sách của nhà nước. Do đó, “cần có biện pháp nghiêm trị những hành vi như vậy để làm gương”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.