Số giáo viên nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm tới trên 40%
Chiều nay, 27.10, giải trình trước Quốc hội về vấn đề giáo viên nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa qua Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và xét tuyển dần trong từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 thì được duyệt với 27.850 chỉ tiêu.
Về việc thiếu giáo viên, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu từ nay tới 2026 cần phải bù đắp, bổ sung lên đến 107.000 giáo viên và có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Bộ trưởng cũng đề nghị, một trong các chính sách rất quan trọng là việc tăng lương cho giáo viên thì đã được Chính phủ tính toán và cũng sẽ là một giải pháp rất quan trọng giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, đặc biệt thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non. Số nghỉ việc ở giáo viên mầm non chiếm tới trên 40%, do đó đề nghị Quốc hội xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
"Hiện đang tính là 35%, đề nghị nếu là tốt nhất thì tăng phụ cấp ưu đãi cho nhóm giáo viên mầm non được tương tự như mức phụ cấp ưu đãi so với y tế cấp cơ sở; còn nếu không thì tối thiểu tăng từ 35% đến 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở. Về phía ngành giáo dục đào tạo hết sức mong muốn được nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt là cho đối tượng giáo viên bậc mầm non", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Hiệu trưởng trường THCS Láng Hạ (Hà Nội) Nguyễn Trung Kiên cho biết: "Tôi rất vui và cảm thấy Bộ trưởng đã nhìn nhận đúng thực trạng của ngành, có đề xuất giải pháp kịp thời để giải quyết vấn đề. Theo tôi đây là việc cấp bách cần giải quyết vì khi muốn cải cách giáo dục thì trước hết phải chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Song song đó, vấn đề rất quan trọng nhất là chính sách tiền lương cho giáo viên.
Thực tế hiện nay, lương của giáo viên chưa tương xứng với công sức mà hàng ngày họ phải cống hiến. Lương khởi điểm khi nhận công tác tại trường chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nếu so với nhu cầu sống tối thiểu hiện tại không thể nào đủ. Nếu muốn có thêm thu nhập thì phải dạy thêm, trong khi không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm.
Do vậy, nhiều giáo viên đã phải tranh thủ làm thêm như bán hàng online, chạy Grap... những lúc không lên lớp. Thậm chí có những giáo viên mặc dù rất yêu nghề và gắn bó bao lâu nay đã không thể bám trụ lại với nghề đành phải bỏ nghề dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hoặc không thu hút được người giỏi vào nghề sư phạm. Đấy là chúng ta còn chưa bàn đến những áp lực khác mà các thầy cô giáo đang phải chịu đựng.
Theo thống kê năm 2022 tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%. Tôi e ngại con số này sẽ tiếp tục tăng lên".
Hiệu trưởng trường THCS Láng Hạ cho hay, hiện nay học sinh khá giỏi “ngại” vào sư phạm vì họ chọn học ngành khác có thu nhập cao hơn nhiều khi ra trường với nghề giáo viên. Do đó, muốn giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cũng như thu hút hiền tài cho quốc gia, thì nên có nhiều quyết sách nhằm ổn định tâm lí và chăm lo đến đời sống giáo viên đăc biệt chính sách cải cách tiền lương đối với giáo viên cần thực hiện một cách khẩn cấp.
Giáo viên phải được đảm bảo đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề
Trước đó, trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, giáo viên nghỉ việc quá nhiều là do nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính là lương quá thấp và áp lực lớn.
Tiến sĩ Hoàng Trung Học chia sẻ, theo nghiên cứu và quan sát của chúng tôi, áp lực nghề nghiệp hiện tại của các nhà giáo rất nặng nề. Đặc biệt là ở giáo viên mầm non và tiểu học. Áp lực đầu tiên đến từ chính đặc trưng công việc. Giáo viên mầm non, tiểu học có khi phải làm việc đến 12 tiếng/ngày.
Có thực trạng hiện nay, các thầy cô lớn tuổi, có xu hướng khó thích ứng cái mới về phương pháp, khó khăn trong áp dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giáo dục. Đối với nhóm giáo viên trẻ, mới vào nghề, họ có thể không gặp vấn đề về khả năng thích ứng nhưng lại gặp áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền”.
Đặc biệt với những người trẻ tuổi, khi các nhu cầu vật chất có xu hướng gia tăng, khi họ thấy phải làm một loạt công việc áp lực, phức tạp với mức lương không đảm bảo, thì họ có thể sẽ lựa chọn bỏ nghề.
Khi sàng lọc bằng trắc nghiệm, chúng tôi thấy, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35-40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm.
Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giáo viên mầm non, sau đó lần lượt đến giáo viên bậc tiểu học, THCS và cuối cùng là THPT. Như vậy, dưới góc độ khoa học có thể thấy được áp bên ngoài đã chuyển hóa thành những dấu hiệu căng thẳng tâm lý bên trong ở giáo viên.
Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho rằng gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên vấn đề thu nhập. Họ phải đảm bảo được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu không, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm.
Một số giáo viên bán hàng online, làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập chẳng có gì xấu, trong quá khứ cũng đã xảy ra, nhưng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
Chúng ta đừng nghĩ mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/tháng là với giáo viên cao. Bởi công nhân lao động phổ thông hiện nay cũng đã có thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng rồi. So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đối với nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vai trò của họ còn nặng nề và nhọc nhằn hơn nhiều. Dù đã có những ưu đãi, nhưng quá ít ỏi. Từ nhà ở, điều kiện sinh hoạt, điều kiện đi lại, sống xa nhà… khiến không ít thầy cô tâm huyết, nhưng “lực bất tòng tâm” nên dần dà họ cũng không thể kiên trì theo nghề.
Trong thực tế, những nhà giáo chân chính, họ đều thấu hiểu tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và họ không yêu cầu những gì vượt quá khả năng của của đất nước, nhưng điều họ cần là đánh giá đúng lao động và tương ứng với nó là có chế độ, chính sách phù hợp.
Trong cơ chế thị trường, sự chi phối của đồng tiền không nhỏ. Quan niệm về nhà giáo, về bản chất vẫn được tôn trọng, nhưng những giá trị cao quý, đâu đó dường như đang không chỉ bình thường mà thậm chí tầm thường hóa; như là một nghề kiếm cơm thuần túy.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho hay,trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hằng năm. Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 01/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng.
Tuy nhiên chúng ta đã có 3 năm liên tiếp giữ nguyên mức lương cơ sở nhằm huy động nguồn lực ngân sách cho việc phòng, chống dịch Covid-19, cho các chính sách an sinh xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh… Khi lương cơ sở không tăng đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức, viên chức không được điều chỉnh tăng lương, phụ cấp, trong khi đó vật giá lại leo thang, chi phí tăng trở lại làm cho đời sống cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục, càng gặp nhiều khó khăn.
"Nhà giáo làm một nghề không dễ chuyển đổi, khi cuộc sống khó khăn, không thể đáp ứng các trang trải tối thiểu, bắt buộc phải tìm giải pháp khác, dẫu sao “có thực mới vực được đạo” vẫn không thể trốn tránh được. Một giáo viên hiện tại, nếu tận tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì gần như đầu tư toàn bộ thời gian, tâm sức cho công việc, nhất là trước đòi hỏi của đổi mới giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên mầm non, tiểu học thậm chí không còn thời gian để chăm sóc gia đình" - GS Minh nhấn mạnh.