Theo kết luận của Chính phủ, Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh Nghị định 81 về học phí theo hướng không tăng học phí năm học mới 2023-2024. Hiện nay các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tự chủ đang than khó về việc này. Nhiều trường đại học cho rằng, việc học phí chưa thể tăng trong điều kiện vật giá leo thang hiện nay khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ khó “giữ chân người tài”, thậm chí chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân nên không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định 81, xin ý kiến các bộ ngành để trình Chính phủ. Đây cũng sẽ là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhìn tổng thể về tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng, học phí chỉ là một nguồn (với giáo dục đại học là nguồn chính hiện nay) và chính sách học phí cũng chỉ là một trong nhiều chính sách liên quan.
Nhìn xa hơn, dù học phí được giữ nguyên hay có điều chỉnh, thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất..) nếu như không tăng được thì cũng cần được giữ vững, ở đây có vai trò điều tiết của Nhà nước.
Đối với giáo dục phổ thông có tính chất phúc lợi, an sinh xã hội (chủ yếu do Nhà nước bảo đảm kinh phí), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương quan tâm để bảo đảm ngân sách, giữ ổn định đời sống để giáo viên yên tâm công tác và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, khắc phục việc giáo viên bỏ việc.
Đối với giáo dục đại học, theo Thứ trưởng, giáo dục đại học có sứ mạng thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược, nhân lực phát triển bền vững, lĩnh vực chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và không tăng học phí 3 năm qua. Có thể nói đó là một chiếc kiềng 3 chân: Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học (Nghị định 60), Chính sách học phí (Nghị định 81), Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Nghị định 60 quy định về lộ trình tính giá dịch vụ (học phí) và giảm chi trực tiếp Ngân sách Nhà nước. Còn Nghị định 81 thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm giữ không giảm nguồn lực đầu vào.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường (nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên) bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện tốt sứ mạng.
Trước đó, tại cuộc họp về dự thảo sửa đổi Nghị định số 81 của Chính phủ, tổ chức hôm 29.7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước 8.8.
Nghị định cần sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Lãnh đạo một số trường đại học cho biết đến thời điểm này, nếu mức học phí dự kiến tăng của năm nay cũng không được tăng thì có nghĩa các trường đều quay lại mức học phí của giai đoạn trước dịch (năm 2020). Trong khi đó các chi phí khác đều tăng như lương cơ bản, tiền chi cho giảng viên tăng do các quy chế chi tiêu mới, rồi các chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị,… khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn.
Có những trường đã phải tính đến chuyện cắt giảm các khoản thưởng hay xem xét lại chế độ phúc lợi, phụ cấp cho người lao động, xem những gì có thể cắt giảm được để đảm bảo bài toán “thu đủ chi”, thay vì chi theo dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, các trường công lập thực hiện tự chủ cũng chia sẻ đang gặp khó khăn trong giữ chân giảng viên giỏi, khi học phí không thể tăng.
Theo đó, nếu không thể tăng thu nhập cho giảng viên một cách như kỳ vọng, không thể đáp ứng được mong muốn của giảng viên sẽ khiến tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra nhiều hơn. Bản thân các trường trong khối tư thục, có doanh nghiệp hỗ trợ tài chính đã và đang hút rất nhiều nhân tài ở các trường công lập.
Trên thực tế, một số trường tư thục có yếu tố doanh nghiệp có thể trả lương cho giảng viên cao gấp 1.5 đến 2 lần, thậm chí 3 lần so với mức giảng viên đang được nhận tại các trường công lập.