Người bệnh bị ngộ độc chì cấp thường có biểu hiện chủ yếu là co giật, hôn mê, thiếu máu… Khi bị nhiễm độc chì, trừ trường hợp với nồng độ thấp, thời gian ngắn, chưa ảnh hưởng thì có thể hồi phục, nếu không dù có điều trị đào thải hết cũng có thể để lại di chứng gây ảnh hưởng đến giống nòi, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do hậu quả nhiễm độc chì. Trẻ bị ngộ độc chì nặng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh nếu có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cần đến khám và điều trị tại các cơ sở của Nhà nước hoặc những cơ sở khám chữa bệnh có uy tín đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Nếu có sử dụng các chế phẩm thuốc đã bào chế sẵn thì phải là những chế phẩm đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho sản xuất lưu hành toàn quốc hoặc những chế phẩm đã được Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép cơ sở khám chữa bệnh bào chế để phục vụ trực tiếp cho người bệnh. Những chế phẩm này phải còn nguyên bao gói, có nhãn. Trên nhãn ghi đầy đủ tên, thành phần, hàm lượng, công dụng, liều dùng, cách dùng và hạn sử dụng, nơi sản xuất…
Bộ Y tế cũng đề nghị người dân nếu phát hiện những cơ sở nào hành nghề khám chữa bệnh không phép, sử dụng những chế phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, người bán thuốc rong thì báo cho cơ quan y tế gần nhất để kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành.