2 Ngôi nhà Trí tuệ đầu tiên tại Lạng Sơn
Ngôi nhà Trí tuệ là không gian học tập suốt đời hiện đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 5 quốc gia gồm: Malaysia, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Mô hình này nhằm giúp người dân và trẻ em ở các vùng quê nghèo có cơ hội học tập hoàn toàn miễn phí và chất lượng.
Tại đây, giáo viên, học sinh có thể thỏa sức đọc những cuốn sách hay về nhiều lĩnh vực; được sinh hoạt trong các câu lạc bộ theo sở thích; được giao lưu trực tuyến và trực tiếp với các diễn giả, chuyên gia, giảng viên trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực…
Với sự hỗ trợ của Tập đoàn ITL thông qua Viện Học tập suốt đời và Chương trình Tủ sách Nhân ái, hơn 700 cuốn sách, trị giá gần 70 triệu đồng, đã được trao tặng cho Ngôi nhà Trí tuệ mỗi trường. Cùng với nguồn sách hiện có, thầy trò các trường THPT Chi Lăng và Hoàng Văn Thụ sẽ có một thư viện phong phú với hàng nghìn cuốn sách thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Tiếng Anh, văn chương, lịch sử, phát triển bản thân, hạt giống tâm hồn, sách cờ vua, võ thuật, nghệ thuật...
Ngôi nhà Trí tuệ Trường THPT Chi Lăng và Trường THPT Hoàng Văn Thụ không chỉ phục vụ học sinh và thầy cô cùng cán bộ, nhân viên nhà trường mà sẽ còn là điểm đến của giáo viên, học sinh các trường THCS, Tiểu học cũng như người dân khu vực lân cận.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ, thư viện chỉ là một module trong Ngôi nhà Trí tuệ. Đây hứa hẹn cũng sẽ là địa chỉ mà nhiều chuyên gia, diễn giả trong nước và thế giới tìm về thời gian tới, để giao lưu văn hóa, học thuật, chia sẻ, truyền cảm hứng cho giới trẻ Lạng Sơn trong hành trình chinh phục tri thức, đặc biệt là cơ hội học tiếng Anh với người bản xứ.
Ông Tuấn mong muốn, sách được đọc nhiều nhất, “khấu hao” nhanh nhất; học sinh, giáo viên 2 trường THPT Chi Lăng và Hoàng Văn Thụ cũng như cộng đồng lân cận sẽ tận dụng mạng lưới Ngôi nhà Trí tuệ để kết nối, học hỏi, mở rộng cơ hội học tập, phát triển bản thân.
Quan trọng là hiệu quả hoạt động!
Theo dõi công việc ý nghĩa Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ đã làm cho học sinh và cộng đồng, cho giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng mong muốn chương trình sẽ về Lạng Sơn quê hương mình. Và chính ông là người kết nối để Ngôi nhà Trí tuệ đến Lạng Sơn. Ông quan điểm, “trường nào sẵn sàng đón nhận, trường nào đủ điều kiện thì chọn làm; làm thực chất, không chạy theo số lượng. Bởi phải xuất phát từ nhận thức, nhận thức đầy đủ, nhận thức đúng về Ngôi nhà Trí tuệ, về đọc sách thì mới duy trì được”.
Ấn tượng với buổi lễ ra mắt trang trọng của Ngôi nhà Trí tuệ Trường THPT Chí Lăng và Trường THPT Hoàng Văn Thụ, song hoạt động của nó như thế nào sau này là điều Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thực sự lo lắng. Thực tế, không phải Ngôi nhà Trí tuệ nào cũng thành công ngay từ đầu và thành công như ý muốn.
Tuy vậy, ông yên tâm phần nào khi nghe học sinh 2 trường giới thiệu sách, đặc biệt là phần giới thiệu cuốn Học tập suốt đời của một học sinh lớp 12 Trường THPT Chi Lăng. Cuốn sách được ông tặng nhà trường khoảng 1 tháng trước và chuẩn bị cho ra mắt Ngôi nhà Trí tuệ, nhà trường đã phát động cuộc thi đọc và giới thiệu cuốn sách này. “Tôi nghĩ, chắc là năm thứ ba, năm thứ tư đại học tôi cũng chưa tự tin đứng trước đông người để nói một cách mạch lạc, sâu sắc về một chủ đề nào đó như vậy”.
Vì thế, ông tin rằng, học sinh 2 trường Chi Lăng và Hoàng Văn Thụ nói riêng, học sinh Lạng Sơn nói chung, với sự dạy dỗ của thầy cô, sự nỗ lực của các em, sự quan tâm của cộng đồng, và những kho kiến thức của nhân loại đến tận trường, không có lý gì các em sẽ không thành công, đủ kiến thức, đủ tri thức để bước qua vùng an toàn của mình, sẵn sàng bước vào vùng rủi ro và chính các em sẽ biến những vùng rủi ro đấy trở thành vùng an toàn của mình. “Khi các em lắng nghe các thầy cô, lắng nghe các diễn giả phát biểu, tôi hình dung các em như những đóa hướng dương hướng, chỉ đợi mặt trời mọc là các em sẽ hấp thụ những ánh sáng đó để mình tỏa sắc và tỏa hương”.
Với Ban điều hành các Ngôi nhà Trí tuệ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong muốn các thầy cô học kinh nghiệm của những trường đã thành công; song “không có kinh nghiệm nào quý báu bằng tấm lòng hướng về học sinh thân yêu, các thầy cô sẽ có phương pháp, cách thức để tổ chức hiệu quả”.
Chỉ cần học sinh tiến bộ, “xứng đáng để chúng ta hành động”
Được đánh giá là những “Ngôi nhà Trí tuệ hài lòng nhất”, đại diện Ngôi nhà Trí tuệ Trường THPT Đặng Thúc Hứa và Trường THPT Thanh Chương 3, tỉnh Nghệ An, đã chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở Lạng Sơn.
Là Ngôi nhà Trí tuệ đầu tiên đặt trong trường THPT, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa Nguyễn Thị Nga cho rằng, để Ngôi nhà Trí tuệ thực sự là một phần trong đời sống nhà trường, thì trước tiên đó phải là một không gian thư viên thân thiện và hoạt động hiệu quả, từ vị trí thuận lợi nhất cho người muốn tiếp cân, được trang trí trẻ trung, phù hợp với học sinh; có nhiều đầu sách phù hợp lứa tuổi; dễ mượn, dễ trả bằng nhiều hình thức…
Tiếp đến, hoạt động của Ngôi nhà Trí tuệ xích lại gần nhất với chương trình giáo dục nhà trường, đặc biệt ưu tiên các hoạt động trải nghiệm. “Tôi cho rằng học qua trải nghiệm là điểm tiệm cận lớn nhất của Ngôi nhà Trí tuệ với chương trình giáo dục nhà trường. Và trường chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển nội dung này bằng những trải nghiệm”, cô giáo Nguyễn Thị Nga khẳng định.
Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 Lê Văn Quyền cho rằng, Ngôi nhà Trí tuệ ra đời đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về đọc sách, giới thiệu sách của học sinh và giáo viên nhà trường. Chỉ trong 8 tháng đã có 100 video giới thiệu sách. Học sinh tự viết phần mềm quản lý việc mượn, trả sách tại Ngôi nhà Trí tuệ…
“Ý nghĩa lớn nhất của Ngôi nhà Trí tuệ là kết nối và chia sẻ, mở rộng môi trường học tập ngoài nhà trường. Chúng tôi đã mời chuyên gia trong nước và nước ngoài về giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập; mời cựu học sinh thành đạt về truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm học tập và hướng nghiệp cho học sinh. Một giáo viên tiếng Anh của trường đã được nhận học bổng tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm 6 tuần tại Mỹ… Đi chia sẻ kinh nghiệm với Lạng Sơn hôm nay cũng là một cách chúng tôi học tập cho chính mình”, thầy Quyền chia sẻ.
Đánh giá thành công của một mô hình có thể cần rất nhiều con số. Nhưng theo cô Nga, chỉ cần nhìn các em học sinh xem Ngôi nhà Trí tuệ là một điểm đến trong giờ ra chơi; chủ động quét dọn và sắp xếp sách vở; chủ động chia sẻ điều mình hiểu rõ với bạn bè; một bạn học sinh nhút nhát có thể nói lưu loát hơn trước đám đông; nghe học sinh kể lại niềm vui khi được các em học sinh tiểu học yêu quý; hoặc chỉ cần có thể nuôi dưỡng, khích lệ ước mơ của một vài em nào đó… “đó đã là thành công và xứng đáng để chúng ta hành động”