Rào cản về đội ngũ
Theo thống kê của ngành văn hóa trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011 - 2020, nhân lực trực tiếp (gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao) là 72.239 người và nhân lực gián tiếp (nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, gia đình và thể dục thể thao) ước tính khoảng 150.000 người.
Về nhân lực cụ thể trong một số lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, theo thống kê của ngành văn hóa năm 2021, nhân lực sáng tạo (hội viên) ngành mỹ thuật, triển lãm, nhiếp ảnh có sự gia tăng qua các năm. Còn tính chung số lượng hội viên các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành, tính đến năm 2018, ở Trung ương là 19.000 người, ở các tỉnh, thành phố gần 23.000 người. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần tạo ra các tác phẩm về văn học, nghệ thuật có chất lượng, cung ứng những sản phẩm đa dạng, làm phong phú thị trường văn hóa, văn nghệ...
Về nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa, theo TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, đóng góp nhiều ý tưởng để tạo ra những sản phẩm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, mang lại những món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực qua đào tạo còn thấp, không đồng đều giữa các giai tầng, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn khiêm tốn. Hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập. Thiếu các tiêu chí cụ thể trong đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ cho các tài năng thực sự. Đây là rào cản, tạo sự khan hiếm “nguồn vốn đầu vào” đối với nhiều ngành văn hóa...
Bên cạnh đó, thiếu chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích; khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật... Tại cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tháng 10.2022, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Cán bộ quản lý văn hóa cấp cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu công việc. Nhiều nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành, trái nghề hoặc chỉ có năng khiếu mà chưa được đào tạo. Việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động văn hóa cơ sở.
Huy động tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhằm phát triển văn hóa, phấn đấu đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, theo các chuyên gia, việc phát triển nguồn nhân lực làm văn hóa, sáng tạo cần được đặc biệt quan tâm.
Cho rằng “mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra”, PGS. TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Cụ thể, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn học, nghệ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật, tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực đào tạo; có chính sách đào tạo tài năng, hỗ trợ sáng tạo cá nhân; hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo hộ, định hướng cho hoạt động sáng tạo; ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng đối với văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, cống hiến to lớn cho xã hội, đất nước.
Một số ý kiến cũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số. Đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong các thiết chế văn hóa như: nhà hát, thư viện, bảo tàng, thiết chế văn hóa - thể thao các cấp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Huy Phòng cho rằng, nhận thức đúng về vai trò, vị trí của văn hóa sẽ giúp các cơ quan, bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để huy động tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia trực tiếp vào quá trình vận hành, phát triển văn hóa. Đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo với những điểm mạnh và điểm yếu để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những khó khăn, tạo “nguồn vốn đầu vào” ổn định, đa dạng, phong phú cho công nghiệp văn hóa phát triển.
Bên cạnh đó, xây dựng thị trường văn hóa và sản phẩm, dịch vụ văn hóa đầy đủ, đồng bộ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để công nghiệp văn hóa phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra nhiều cơ hội cho người tham gia vào quá trình sản xuất, sáng tạo, cổ vũ tinh thần cống hiến, sự gắn bó của những người tài năng cho sự phát triển của văn hóa. Tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại mang lại môi trường thực sự lành mạnh để nghệ nhân, nghệ sĩ, trí thức thỏa sức sáng tạo, cống hiến.