Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực bất động sản có vai trò quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như: làm thay đổi tích cực bộ mặt đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo khối lượng việc làm lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, thị trường bất động sản còn gặp không ít bất cập trong công tác quản lý, thiếu ổn định và hiệu quả của các chính sách pháp luật, năng lực doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy hết các tiềm năng, nguồn lực, lợi thế sẵn có của thành phố.
Thị trường bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đã có một giai đoạn tăng trưởng đáng kể (2015-2019), đặc biệt là các phân khúc cao cấp và trung cấp, tạo ra nhiều việc, thu nhập, cơ hội kinh doanh cho người dân và các doanh nghiệp. Giá trị giao dịch bất động sản đã tăng mạnh tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nhưng cũng gây áp lực lớn đối với người dân và cơ quan quản lý.
Qua năm 2020, TP. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản cũng theo đó chịu ảnh hưởng mạnh, giảm so với năm 2019 và năm 2021 tiếp tục giảm. Bắt đầu Quý IV.2022, hoạt động kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn hơn, lan rộng ra toàn thị trường. Đến cuối năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản có tín hiệu tích cực với quy mô tương đương năm 2019.
Về phát triển nhà ở xã hội, TP. Hồ Chí Minh đã hành Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở từng giai đoạn, bảo đảm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, phù hợp quy định pháp luật về nhà ở.
Trong gian đoạn 2015 - 2023, Thành phố đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 24 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 18.708 căn hộ, tổng diện tích sàn 1,58 triệu m2. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong việc giải quyết nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Mặc dù kết quả đạt được tương đối khả quan nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội của nhóm đối tượng thu nhập thấp.
Việc phát triển nhà ở xã hội của thành phố còn gặp một số hạn chế, bất cập như: đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội chưa phù hợp thực tế; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc tiếp cấn vốn tín dụng; thủ tục đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều ngành, nhiều luật khác nhau nhưng chưa được quy định cụ thể, thống nhất trong một văn bản hướng dẫn chung.
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần tăng cường công tác quản lý đất đai, thực thi pháp luật về thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách ưu tiên các dự án bất động sản có tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng, bảo đảm các dự án xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, an toàn lao động.
Đồng thời, cần cụ thể hóa đối với từng đối tượng về điều kiện thu nhập nhằm tạo điều kiện cho người có khó khăn về nhà ở tiếp cận được nhà ở xã hội; nghiên cứu đơn giản hóa và thống nhất việc thực hiện các thủ tục đầu tư; sớm ban hành quy định về việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; đề nghị các đơn vị tiếp thu ý kiến của các thành viên Tổ công tác để hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu.
Các kiến nghị, đề xuất sẽ được Tổ Công tác tổng hợp, nghiên cứu, kiến nghị các bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan thực thi, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân đúng đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội.
+ Sáng cùng ngày, Tổ công tác đã khảo sát thực tế một số dự án nhà ở và làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.