Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hải; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công chủ trì hội nghị.
Nỗ lực, trách nhiệm và quyết liệt hơn
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên và bảo đảm theo đúng quy định. Theo đó, công tác tổ chức kỳ họp của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, bảo đảm hợp lý, khoa học cả về nội dung và thời gian tổ chức, nâng cao chất lượng theo hướng “thực chất và hiệu quả”. Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, tích cực, kỹ lưỡng...
Hoạt động tại kỳ họp tiếp tục được đổi mới theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, kết hợp giữa phương thức nghe đọc báo cáo truyền thống với phương thức nghe nhìn bằng hình ảnh, trực quan sinh động, tăng thời gian thảo luận tại tổ và tại hội trường, thực hiện thảo luận các nội dung trình kỳ họp tại Tổ đại biểu khi khai mạc kỳ họp, dành nhiều thời gian cho hoạt động chất vấn, giải trình, làm rõ những nội dung đại biểu đã đặt ra...
Công tác điều hành kỳ họp tiếp tục được đổi mới theo hướng gợi ý nội dung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận cao, phát huy tối đa kinh nghiệm và trí tuệ của đại biểu, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng phát biểu của đại biểu HĐND...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp như thực hiện và duy trì “kỳ họp không giấy”, cung cấp tài liệu thông qua mã QR-Code để cử tri, Nhân dân truy cập theo dõi; nhiều hoạt động của HĐND được thực hiện chuyển đổi số đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và thành công của các kỳ họp, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Công tác thẩm tra tiếp tục được đổi mới về phương pháp, các thức tổ chức phiên thẩm tra, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Nhiều nội dung qua thẩm tra được UBND cùng cấp và các cơ quan tiếp thu, giải trình làm rõ, điều chỉnh dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, có nội dung tạm thời chưa trình tại kỳ họp do chưa bảo đảm yêu cầu chất lượng...
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn trong những năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Các cơ quan dân cử địa phương đã rất nỗ lực, trách nhiệm, tâm huyết với các hoạt động dân cử, ngày càng đáp ứng tốt hơn niềm tin, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Từ kinh nghiệm thực tế của một đại biểu dân cử, người đứng đầu Tỉnh ủy mong muốn đại biểu HĐND sẽ thẳng thắn chất vấn các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm và khi đã chất vấn thì phải đi đến tận cùng của vấn đề. Người được chất vấn cũng cần xem đó là cơ hội để được thông tin, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Các đại biểu HĐND cần mạnh dạn, quyết liệt hơn, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng để phát huy tốt vai trò của người đại biểu; Thường trực HĐND cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, nhất là bản lĩnh cho các đại biểu HĐND. Đặc biệt, tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2023, HĐND tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND bầu. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh và các huyện, thành phố cần bám sát quy định của cấp trên để tổ chức thực hiện bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý được đúc kết từ hoạt động thực tiễn như: Việc nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp chuyên đề, chất lượng xây dựng ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật; vai trò điều hòa phối hợp của Thường trực HĐND, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, giải quyết và giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; hoạt động giám sát chuyên đề…
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND; đổi mới phương thức điều hành kỳ họp HĐND theo hướng linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm làm rõ vấn đề còn ý kiến khác nhau, phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu HĐND; kết hợp giữa nghe đọc theo phương thức truyền thống với phương thức nghe nhìn trực quan (Video - Clip) của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; thí điểm ban hành Văn bản của Thường trực HĐND liên quan đến vấn đề thực hiện kiến nghị, kết luận thông qua giám sát các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp…
Tiếp tục đổi mới nhằm bảo đảm thực chất, đồng bộ
Phát biểu kết luận tại hội nghị, nhằm nâng cao hơn vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh yêu cầu: Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của HĐND bảo đảm thực chất, toàn diện, đồng bộ, vừa bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, vừa đáp ứng quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương; bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu; kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước cấp trên giao thành cơ chế, chính sách của địa phương.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND; kịp thời tổ chức các kỳ họp chuyên đề để quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách, phát sinh. Tăng thời gian thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, thực hiện chất vấn theo nhóm vấn đề và ban hành Nghị quyết về chất vấn để thuận tiện trong việc tổ chức giám sát thực hiện “lời hứa”.
Triển khai và thực hiện đồng bộ hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, phản ánh với Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để được giải thích và tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND theo hướng thực chất, xác định rõ trách nhiệm, vì mục tiêu kiến tạo phát triển; đổi mới hình thức TXCT, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngay sau khi tiếp nhận; tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát, định kỳ 2 lần/năm xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND.
Rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế hoạt động của HĐND, của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các Quy chế phối hợp công tác để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân đại biểu, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương. Tiếp tục quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND; tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của HĐND...
Đặc biệt, năm 2023, HĐND các cấp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND các huyện thành phố, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 và các văn bản hướng dẫn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát trọng tâm này.