Sức mạnh từ cả hệ thống chính trị
Năm 2024, diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Hậu quả của đại dịch Covid-19 toàn cầu chưa dứt điểm, vẫn phải khắc phục nhiều năm. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm; các rủi ro về tài chính, nợ công, an ninh năng lượng, thông tin gia tăng.
Trong nước, nền kinh tế xã hội theo đà phục hồi tích cực, có nhiều khởi sắc cho sự tăng trưởng; song, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức đan xen; như giá yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có xu hướng bị thu hẹp... Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh, cần phải tập trung giải quyết đã ảnh đến việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói riêng của ngành BHXH Việt Nam.
Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã tập trung dồn lực, vào cuộc mạnh mẽ với mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tới cấp xã (tương ứng với 10.595 xã đã thành lập Ban Chỉ đạo); 46/63 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60/63 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh, thành phố trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện…
Hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT liên tục được mở rộng, bố trí các điểm thu, nhân viên thu đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Những số liệu trên là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đơn vị đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia. Một trong những điểm được BHXH địa phương đặc biệt quan tâm là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết của HĐND các cấp. Đồng thời, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT.
Bước tiến quan trọng với nhiều "điểm sáng"
Với sự nỗ lực không ngừng, số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ người tham gia BHYT tăng trưởng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi.
Năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Năm 2023, có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008. Đặc biệt, kết quả phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình có sự tăng trưởng rất ấn tượng từ 3,76 triệu người tham gia (năm 2009) tăng lên thành 24,89 triệu người (năm 2023), gấp 6,6 lần so với năm 2009.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7.2024, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 với khoảng 18,518 triệu người tham gia BHXH, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành BHXH cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; triển khai giao dịch điện tử đối với các tổ chức và cá nhân; triển khai 100% dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành; tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VssID-BHXH số trên nền tảng thiết bị di động... Kết quả, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh đó, Hệ thống Thông tin giám định BHYT được BHXH Việt Nam xây dựng và vận hành chính thức từ tháng 7.2016 đã kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Đặc biệt, BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ghi nhận, đánh giá cao kết quả toàn ngành đạt được tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, việc giữ vững tốc độ phát triển BHXH, BHYT trong khi đời sống người dân còn khó khăn, một lần nữa đã khẳng định sự kiên định, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị nói chung và ngành BHXH Việt Nam nói riêng. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa thể hiện trách nhiệm của ngành trong bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ
Đặt quyền lợi của người tham gia làm trọng tâm và hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện. Theo đó, mức độ hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ ghi nhận tăng cao. Đặc biệt trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách, dù số người hưởng các chế độ BHXH đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ luôn được bảo đảm đầy đủ tới từng người tham gia, thụ hưởng.
Ngay trong ngày đầu tiên Nghị định số 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam đã tập trung công tác chi trả để người hưởng nhận chế độ nhanh nhất, kịp thời nhất. Được biết, ở lần chi trả mức hưởng mới này, cả nước có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.
Ông Trần Văn Mật (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) là cán bộ về hưu cho biết, đây là chủ trương rất phù hợp của Đảng và Nhà nước. Những người hưởng lương hưu như ông, cuộc sống chỉ trông chờ vào lương, tuổi già nên chi phí thuốc, khám chữa bệnh tiêu tốn nhiều. Nhiều gia đình con cái còn khó khăn, vì vậy, thêm được phần nào cũng đáng quý. "Sau ngày 1.7.2024, tôi hoàn toàn tự tin cuộc sống hàng ngày sẽ ổn định hơn. Vì nếu ốm đau cũng đã có BHYT và tiền tích cóp từ trước" - ông Mật hào hứng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 11 chương, 141 điều được Quốc hội thông qua ngày 29.6.2024 với 9 nhóm điểm mới, có nhiều thay đổi so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, gia tăng về quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, để Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, các hình thức truyền thông phải đa dạng phong phú, phù hợp và hiệu quả. Do đó, cần xây dựng chương trình tổng thể truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trên các phương tiện truyền thông của ngành BHXH, môi trường internet và mạng xã hội; truyền thông lồng ghép tại các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể, các cuộc họp Chi bộ, họp Tổ dân phố, điểm chi trả lương hưu hoặc các hoạt động văn hóa theo tập tục, tập quán từng địa phương…
Cũng theo BHXH Việt Nam, trong năm 2024, ngành đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH. Trong đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 88%; phấn đấu 88% hồ sơ công việc trong toàn ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 35% sử dụng ứng dụng VssID.
Đứng trước những thách thức, mục tiêu đặt ra trong những tháng cuối năm 2024 cùng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, dồn lực vào các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Giữ vững quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", BHXH Việt Nam đặt quyền lợi người tham gia, thụ hưởng lên hàng đầu, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ tạo thuận lợi tối đa để người dân tin tưởng vào tính ưu việt của Đảng và Nhà nước và tích cực tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. Từ đó, ổn định đời sống Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.