![]() GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi GLTT “Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN – Các công trình xuất sắc đóng góp cho xã hội”. (Ảnh: Quang Khánh) |
- Thưa GS, được biết ông có nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu, nhưng tại sao ông lại chọn công trình này để tham gia xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN?
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng: Vâng, tính cho đến nay tôi đã hoàn thành ngót chục công trình nghiên cứu, kể cả chủ biên và tự biên. Trong số những công trình tự biên, có 2 chuyên luận tôi phải cân nhắc lựa chọn khi đăng ký dự xét giải thưởng Nhà nước. Một là cuốn "Âm tiết và loại hình ngôn ngữ" (NXB KHXH, 1994; NXB ĐHQG Hà Nội, 2001; NXB TP HCM, 2012). Hai là cuốn "Khái luận văn tự học chữ Nôm" (NXB Giáo dục, 2008) đang được nói tới ở đây.
Cuốn trước có thể coi là một chuyên luận quan trọng về ngôn ngữ học, nó trình bày những vấn đề về nhận thức luận và phương pháp luận nghiên cứu ngôn ngữ, đặc biệt nhận rõ chỗ yếu của cách tiếp cận các ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính như tiếng Việt theo kiểu của các ngôn ngữ châu Âu. Từ đó gợi mở cách tiếp cận “từ bên trong”, từ bản thân ngôn ngữ đang xét. Chuyên luận cũng cung cấp một cách phân chia loại hình các ngôn ngữ theo các tiêu chí về âm tiết, làm tiền đề cho việc so sánh các ngôn ngữ thuộc những loại hình khác nhau, mà trước hết là tiếng Việt và các ngôn ngữ ở Việt Nam với các ngôn ngữ ở phương Tây. Chính kết quả của công trình này đã định hướng lý thuyết cho các công trình nghiên cứu tiếp theo của tác giả, trong đó có cuốn "Khái luận văn tự học chữ Nôm".
Cuốn sau cũng không kém phần lý luận, bởi vì sẽ không có đóng góp thực sự nếu công cuộc khảo sát, nghiên cứu một đối tượng như chữ Nôm mà không đặt nó vào một chuyên ngành khoa học cụ thể trong mối liên hệ với các ngành khoa học hữu quan. Bởi vậy, nhiều độc giả nhận ra ngay với chuyên luận này, tác giả đã xác lập một khung lý thuyết thích hợp cho đối tượng nghiên cứu, xây dựng một bộ khái niệm mới cần yếu để phân tích và tổng hợp các hiện tượng đa dạng của chữ Nôm. Chính là nhờ khung lý thuyết và bộ khái niệm như thế, công trình mang lại một khuôn mặt mới cho những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu chữ Nôm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chữ Nôm là một di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, cho đến nay nó vẫn tiềm ẩn trong ký ức văn hóa dân tộc của mọi người. Nói tới chữ Nôm là chạm tới tâm thức của nhiều tầng lớp xã hội. Mà nói tới chữ Nôm một cách trang trọng, có bề thế, có chiều sâu, có cái mới để ngẫm nghĩ, thì dễ được giới nghiên cứu lẫn công chúng tiếp nhận và đồng thuận. Bởi vậy, tôi chọn cuốn sách này để đăng ký xét tặng Giải thưởng Nhà nước, cũng tức là hy vọng được sự đồng thuận của nhiều người.
Ngoài ra, liên quan đến chữ Nôm, tôi còn có bộ "Từ điển chữ Nôm dẫn giải" (NXB KHXH, 2014), cũng đang được học giả, báo giới và công chúng quan tâm. Nhưng tiếc vì mới in ra, chưa “đủ tuổi” để cùng với cuốn Khái luận này đăng ký luôn một thể cho “hoành tráng” hơn!
- Được biết, đây là công trình mang tính hàn lâm khoa học cao. Công trình này đã xác lập được một khung lý thuyết mới về nghiên cứu chữ Nôm, khắc phục được những nhược điểm của các nghiên cứu trước đây. Giáo sư có thể chia sẻ cho độc giả rõ hơn về điều này?
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng: Thay cho việc phải tự mình khẳng định, tôi xin trích ra đây đôi dòng mà một đồng nghiệp trẻ đã viết trên báo Tia sáng (5.9.2016) như sau: “Đặc trung căn bản và tiên quyết của cuốn chuyên khảo này chính là tiền đề phương pháp luận lấy văn học tự làm bản vị. Đây là điểm cốt yếu và khác biệt của cuốn sách, bởi các chuyên khảo về chữ Nôm trước đây thường đặt vấn đề ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt lên trên vấn đề văn tự học khi tiếp cận kho tàng văn hiến chữ Nôm. Việc trả lại bản chất văn tự học cho hướng tiếp cận nghiên cứu chữ Nôm còn giúp cho cuốn sách, xét từ khía cạnh lịch sử văn hiến, khắc phục được nhược điểm cố hữu trong việc nghiên cứu chữ Nôm là thường quá chú trọng tới những văn hiến có niên đại sớm, mà sao lãng những văn hiến có niên đại muộn, khoảng từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX”. Và tiếp theo: “Từ tiền đề phương pháp luận trên, cuốn sách đã triển khai nghiên cứu một cách hệ thống và mang đậm tính lý luận. […]. Trong tình trạng việc nghiên cứu Hán Nôm thường dừng lại ở mức độ miêu tả sự kiện, thì những nghiên cứu mang tính lý luận chuyên ngành của Nguyễn Quang Hồng lại hướng tới phân tích, giải thích sự kiện, và đó chính là điểm sáng nội trổi mà một lối tư duy thông thường nào đó hoàn toàn có thể phán rằng “những cái ấy ai chẳng biết!”. Nhưng để khái quát hóa “những cái ai chẳng biết” vốn lẻ tẻ và rời rạc ấy thành một hệ thống mang tính lý luận như những gì tác giả đã thực hiện trong các công trình của mình (tất nhiên công trình không loại trừ cuốn sách này) thì lại hoàn toàn không phải là điều dễ dàng mà ai cũng làm được”. (TS Nguyễn Tuấn Cường).
- Từ góc độ nhà nghiên cứu xin giáo sư cho biết, giá trị KHCN và những đóng góp của công trình “Khái luận Văn tự học chữ Nôm”?
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng: Trong hồ sơ đăng kí xét giải thưởng tôi có ghi một số đóng góp cụ thể của cuốn sách “Khái luận văn tự học chữ Nôm” như sau:
- Với công trình này, lần đầu tiên chúng ta có một chuyên luận nghiên cứu văn học một cách toàn diện, có hệ thống và đủ sâu sắc về chữ Nôm của người Việt.
- Lần đầu tiên tác giả đã chứng minh về khởi nguồn và thời điểm hình thành (Đầu thế kỷ) của hệ thống chữ Nôm dựa trên bối cảnh ngữ văn chung của khu vực và căn cứ vào tư liệu của sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh.
- Đã đề xuất sự phân biệt cần thiết về “Cấu trúc chức năng và cấu trúc hình thể”, “cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu” trong cấu tạo và nhận diện chữ Nôm.
- Cung cấp được một bảng phân loại cấu trúc chữ Nôm có tính bao quát và sát với tư liệu thực tế hơn những gì có trước đây.
- So sánh với chữ Hán, tác giả không chỉ nêu rõ chỗ tương đồng mà còn chỉ ra những chỗ khác biệt: trong chữ Hán không hề có một chữ “hội âm” nào và văn tự học chữ Hán cũng chưa hề có khái niệm “hội âm”. Như vậy, chữ Nôm không chỉ mô phỏng chữ Hán và cũng có những nét sáng tạo của nó.
- Về diễn biến của chữ Nôm qua thời gian, tác giả đề nghị xác lập 2 cấp độ nghiên cứu: Cấp độ đơn vị văn tư – một ngữ tố nào đó của Tiếng Việt có thể được ghi bằng nhiều dị thể hoặc biến thể chữ Nôm theo thời gian. Cấp độ hệ thống văn tự - tỷ lệ các loại chữ có thể biến đổi theo thời gian, chẳng hạn tỷ lệ chữ ghi “âm +ý” tăng dần về sau; ngược lại, tỷ lệ chữ “thuần âm” ngày càng giảm thiểu trong các văn bản.
- Khẳng định được vai trò hành chức của chữ Nôm trong xã hội: chữ Nôm với văn hóa dân gian, chữ Nôm với tín ngưỡng và tôn giáo, chữ Nôm với khoa học và giáo dục, chữ Nôm với Chính trị và hành chính quốc gia, chữ Nôm với văn học và nghệ thuật, chữ Nôm với cuộc sống hiện đại.
- Nêu rõ sự cần thiết và quá trình xác lập các mã Unicode cho chữ Nôm trong khuôn khổ ISO, là tiền đề để đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, khai thông giao lưu quốc tế và kéo chữ Nôm xích lại gần thế hệ trẻ.
- Nhóm người trẻ tập trung nghiên cứu KHCN hiện đại, vậy quan điểm của giáo sư về các nhà khoa học trẻ đã và đang nghiên cứu, cống hiến cho KHXH và nhân văn hiện nay như thế nào?
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng: Đồng ý là trong xã hội nước ta hiện nay, giới trẻ phần đông hứng thú với khoa học tự nhiên, KHCN hơn là với khoa học xã hội và nhân văn. Điều này là bình thường và thậm chí là hợp lý. Song như thế không có nghĩa là giới trẻ đang bỏ rơi khoa học xã hội và nhân văn. Thực tế vẫn có không ít bạn trẻ đang hăng say học tập và muốn lập nghiệp theo hướng xã hội và nhân văn đấy thôi.
Cụ thể như ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi tôi từng làm việc, đã có hàng loạt tiến sỹ Hán Nôm đang say mê với các đề tài nghiên cứu cụ thể và đa dạng của mình. Có thể họ còn bỡ ngỡ, chưa thật vững tay trong việc dàn dựng và thực hiện những công trình lớn, nhưng ở họ có một tiềm năng đáng nể về nghiên cứu: khác với các thế hệ trước, họ không mù ngoại ngữ, nắm khá vững từ một đến hai, ba ngoại ngữ (không chỉ tiếng Anh, mà cả tiếng Trung hiện đại, tiếng Nhật, tiếng Hàn…), họ sử dụng máy tính thông thạo, giao lưu quốc tế rôm rả. Họ đúng là một thế hệ học giả mới trong khoa học xã hôi với ưu thế nổi trội về khả năng hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời họ không quên khai thác những giá trị cổ truyền qua văn hiến Hán Nôm. Theo con đường đó, họ sẽ có tương lai.
- Xin trân trọng cám ơn giáo sư!