Sự kiện diễn ra tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969 - 2024); 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 - 2024).
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng cho biết, triển lãm là hoạt động đặc biệt, có tính chất điểm nhấn trong chuỗi hoạt động trọng tâm kỷ niệm 55 ngày Bác đi xa, cũng là 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Với hơn 240 tư liệu, triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, tư liệu về cuộc sống đời thường, công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch, từ năm 1954 - 1969; giới thiệu công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích gồm hai giai đoạn từ năm 1969 - 1992 và từ năm 1992 đến nay.
Triển lãm gồm 3 phần. Phần 1 chủ đề “Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Nơi gắn bó với Bác Hồ trong 79 mùa Xuân” gồm những hình ảnh và tư liệu về cuộc sống và công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch từ năm 1954 - 1969. Đây là nơi Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo đất nước vượt qua những giai đoạn lịch sử đầy thử thách, đồng thời đón tiếp hàng trăm đoàn đại biểu trong nước và quốc tế, khắc họa rõ nét phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh - uyên bác, chân thành và nhân văn.
Phần 2 “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích từ năm 1969 - 1992” gồm những hình ảnh, tư liệu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Khu Di tích đã được bảo tồn nguyên trạng với sự tận tụy của các cán bộ Cơ quan 41, những người từng phục vụ Bác sinh thời.
Các di tích và hiện vật, từ ngôi nhà sàn đến những kỷ vật hàng ngày, đều được bảo quản cẩn thận, trở thành nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng và đạo đức của Người.
Phần 3 “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích từ năm 1992 đến nay” gồm các hình ảnh, tư liệu về quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên của cả nước (đợt 1, năm 2009), Khu Di tích không ngừng cải tiến, mở rộng các hoạt động bảo tồn.
Các phương thức tuyên truyền, quảng bá được đa dạng hóa, giúp hình ảnh Khu Di tích lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế. Khu Di tích đã đón tiếp gần 90 triệu khách tham quan, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, mang lại những ấn tượng sâu đậm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo bà Lê Thị Phượng, triển lãm không chỉ là dịp để cùng nhớ Bác, nhớ những năm tháng Người đã sống, làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, còn là cơ hội nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường dài, tiếp thu những kinh nghiệm quý để tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy tốt nhất giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt - di tích đầu hệ trong hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ triển lãm, trưng bày tranh “Sáng mãi nơi đây” giới thiệu các tác phẩm hội họa vẽ về Khu Di tích. Chương trình do Đại sứ quán Tây Ban Nha, Phòng Cesvantes và Câu lạc bộ Họa sĩ màu nước Hà Nội, phối hợp với Khu Di tích tổ chức. Mỗi tác phẩm trưng bày là sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả, thể hiện vẻ đẹp thực tại của Khu Di tích, mang thông điệp về sự trân trọng và tình cảm yêu quý, lòng biết ơn của các họa sĩ, nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước dành tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nơi Người đã gắn bó với nhiều kỷ niệm suốt 15 năm cuối của cuộc đời.
"Triển lãm lần này không chỉ là cơ hội để chúng ta tri ân, mà còn là dịp để khẳng định nỗ lực, quyết tâm tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị di sản quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch", bà Lê Thị Phượng chia sẻ.