Sau hơn 1 tuần kể từ tối hậu thư của Ngân hàng Nhà nước (ngày 6.5) kiên quyết xử lý ngân hàng lách trần lãi suất USD 0%, có vẻ như các ngân hàng đã lui vào cố thủ và trật tự trên thị trường huy động ngoại tệ đã được thiết lập. Tuy nhiên, điều đáng nói là các ngân hàng nhận gửi USD lãi suất 0% nhưng vẫn cho vay lên tới 2,5-3%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục trong các tháng qua, số dư tiền gửi ngoại tệ liên tục giảm mạnh (chỉ còn khoảng 40 - 60% so với thời gian trước). Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, tác dụng của công cụ hành chính đã yếu dần khi ngân hàng đồng loạt lách trần lãi suất bằng nhiều chiêu, mà phổ biến nhất là gửi vào sổ tiết kiệm VNĐ hoặc trả lãi luôn và ngay cho khách mà không hạch toán trên sổ sách.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất tiền gửi USD về 0% tức là “bịt” đầu vào trong khi đầu ra cho vay ngoại tệ vẫn “phình” với lãi suất vay lên tới 4 - 5% năm. Đây là một chính sách nửa nạc nửa mỡ. Bất kỳ một tổ chức tín dụng nào cũng nhìn thấy kẽ hở để kiếm lời trong khi doanh nghiệp thì luôn khát vay ngoại tệ. Rõ ràng, việc áp trần lãi suất USD 0% để hạn chế tâm lý găm giữ và đầu cơ ngoại tệ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đã làm thì NHNN phải quyết tâm và làm đồng bộ. Ví như tới đây, để siết đầu ra, NHNN nên thanh lọc kỹ hơn các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ và dần dần chuyển từ vay - mượn sang quan hệ mua bán thả nổi có kiểm soát thì mới giải quyết được gốc vấn đề. Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính, đi kèm biện pháp áp trần lãi suất USD về 0% cần quy định không cho vay bằng USD. Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ buộc phải vay VNĐ lãi suất cao. Khi không có tín dụng USD thì cầu về USD của NHTM sẽ giảm dần và họ sẽ không huy động USD thêm nữa. Khi đó, mục tiêu hạ lãi suất USD xuống 0% và ổn định tỷ giá sẽ đem lại lợi ích trong dài hạn, mặc dù trong ngắn hạn sẽ cắt nguồn tín dụng lãi suất thấp của doanh nghiệp. Nhưng buộc chúng ta phải đánh đổi.