Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cùng với đó là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, phòng, chống hiệu quả tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Do đây là dự án Luật có liên quan đến nhiều Luật, như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…, nên các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại dự án Luật cũng như sự thống nhất với các luật khác có liên quan. Cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều khoản của dự thảo Luật; xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế vừa qua là do quy định của Luật Đấu thầu hay do quy định tại các luật khác có liên quan hoặc do nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành để có phương án sửa đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần xác định rõ nguyên tắc các luật khác khi quy định những nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về đấu thầu phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong Luật Đấu thầu.
Làm rõ khái niệm “cấp bách” để dễ tổ chức thực hiện
Điều 21 dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Quan tâm đến quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 21 quy định chỉ định thầu đối với “Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, thiết kế như quy định này có thể dẫn đến áp dụng rất đại trà. Theo đại biểu, phải khẳng định rõ đây là dự án quan trọng quốc gia cần triển khai sớm, hoàn thành nhanh và cần quy định bằng Nghị quyết đặc biệt của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chứ không phải là các dự án quan trọng quốc gia chung chung. Nếu vẫn giữ quy định như dự thảo Luật thì cần bổ sung các tiêu chí cụ thể để từ đó Chính phủ áp dụng chỉ định thầu.
Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 21 dự thảo Luật quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “dự án, gói thầu cấp bách... ”. Theo ĐBQH Đinh Việt Dũng (Ninh Bình), cần làm rõ khái niệm “cấp bách” và gắn với thời gian cụ thể phải triển khai để dễ tổ chức thực hiện, tránh việc áp dụng tùy tiện. Bởi, thực tế pháp luật hiện hành chưa có khái niệm về dự án, công trình cấp bách, đặc biệt là Luật Đầu tư công chỉ có quy định về công trình khẩn cấp.