
Chất lượng nhân lực còn thấp
Thị trường lao động trong nước thời gian qua luôn vận hành hướng tới sự phát triển ngày càng linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tuy nhiên, hiện nay do chất lượng nguồn cung vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nên dẫn đến lao động chưa đáp ứng cho nguồn cầu. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ mới đạt 26,2%.

Cũng do chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động nên dẫn đến những hệ quả: năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Cùng với đó, do hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.
Tính đến tháng 12 năm 2022 cả nước có 119.656 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.220 người, chiếm 7,7% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 110.436, chiếm 92,3%.
Bên cạnh đó, nguồn cầu lao động của nền kinh tế hiện nay cũng đang phản ánh chưa đủ "hiện đại" và chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Cụ thể, cầu lao động còn chưa hiện đại thể hiện qua tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,5 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng 17,0 triệu người, chiếm 33,6%; khu vực dịch vụ 19,7 triệu người, chiếm 38,9%. Tuy nhiên, trong đó có gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 65,6% tổng số lao động có việc làm.
Theo các chuyên gia đánh giá nguyên nhân chính làm cho thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, cũng như cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu là do hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.
Linh hoạt, kịp thời trong triển khai thực hiện

Theo số liệu báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, năm 2022 tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.225.758 lượt người, tăng 24,37% so với năm 2021. Số người được hỗ trợ học nghề là 21.825 người, tăng 18,82% so với năm 2021.
Trước tình hình trên, Cục Việc làm cho rằng, để kịp thời và linh hoạt trong thời gian tới Cục sẽ tiếp tục chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ để Bộ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất. Đặc biệt, Cục sẽ tập trung hơn nữa trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), đảm bảo đúng tiến độ được giao.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ 63 Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, tính từ đầu năm đến 18.3.2023: số người nộp hồ sơ hưởng trợ thất nghiệp là 146.000 người, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người). Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 347.246 lượt người, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022 (375.788 lượt người). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 128.460 người, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022 (176.814 người). Số người được hỗ trợ học nghề là 4.237 người, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022 (3.598 người).
Cùng với đó, Cục Việc làm sẽ đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động. Đây là một điểm yếu lớn cần được củng cố để đảm bảo nắm bắt được tình hình thị trường tốt hơn, có những tham mưu kịp thời hơn. Đồng thời, Cục đẩy mạnh quan tâm việc phát triển, gắn kết hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành để hình thành mạng lưới thông tin, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động và điều phối hoạt động của thị trường một cách thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cục Việc làm đã có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động: về hỗ trợ phát triển thị trường lao động khi triển khai Quyết định số 08, ngày 28.3.2022 của Thủ tướng, Cục đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; thiết kế và theo dõi hệ thống báo cáo cập nhật hàng ngày; giải đáp các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai thực hiện; trực đường dây hotline của Bộ. Bên cạnh đó, Cục cũng tổ chức các đoàn làm việc với địa phương; phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương để đôn đốc và tổng kết việc thực hiện Quyết định số 08.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 14,33 triệu người, tăng 0,935 triệu người, tương đương tăng 6,98%, so với năm 2021. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp là 14.426 tỷ đồng. Tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 17.719 tỷ đồng trong đó chi trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 90% tổng chi.