Khắc họa chân dung phóng viên chiến trường

Cuốn hồi ký không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu, có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh.

Quay chậm qua những tháng năm

"Tôi viết lại những dòng hồi ức này khi đã ở tuổi ngoài 70. Cuộc đời hiện lên như một cuốn phim quay chậm qua những tháng năm, với nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống" - tác giả, nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ trong Lễ ra mắt sách về cuốn Hồi ký Phóng viên chiến trường - trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình, chiều 5.12.

Khắc họa chân dung phóng viên chiến trường -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ tại Lễ ra mắt "Hồi ký Phóng viên chiến trường"

Nhìn lại hành trình từ khi rời ghế nhà trường phổ thông vào học lớp phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khóa 8, tác giả Trần Mai Hưởng ngẫm ra đã dành trọn cuộc đời theo nghề báo. Công việc giúp ông có nhiều trải nghiệm, được qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hòa bình, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn của đất nước. Đằng sau mỗi bức ảnh, dòng tin là tinh thần vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong chiến tranh, để có mặt kịp thời, chứng kiến những sự kiện, phóng viên thực sự là chiến sĩ. Những nguy hiểm, hy sinh cận kề trong gang tấc. Phóng viên không chỉ đối mặt với kẻ thù, đạn bom mà còn phải vượt lên cả những suy tư, lo lắng của mỗi cá nhân trong lằn ranh sống - chết để hoàn thành sứ mệnh của người chép sử trong lửa đạn. Những hồi tưởng đó đã trở thành chất liệu, tư liệu ngồn ngộn trong từng trang hồi ký.

Khắc họa chân dung phóng viên chiến trường -0
Cuốn Hồi ký ngồn ngộn những câu chuyện ký ức về các sự kiện lịch sử thời chiến

"Tôi đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng. Tôi đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh là vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá. Là những người may mắn trở về, sự sống của mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt", nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ. 

Giữa lằn ranh sinh - tử

Hồi ký Phóng viên chiến trường bắt đầu từ hình ảnh chia ly do chiến tranh, khi tác giả là cậu bé 13 tuổi phải đi sơ tán, sống xa gia đình, tiếng còi báo động máy bay Mỹ in hằn ký ức tuổi thơ... 

Trong cuốn sách, tác giả khắc họa hình ảnh một phóng viên đứng giữa sự sống và cái chết. Bất chấp bom rơi, đạn vãi, pháo nổ, những hiểm nguy đến tính mạng luôn rình rập, phóng viên vẫn có mặt ở những tuyến đầu để kịp thời đưa tin, bài và ảnh để bạn đọc nắm bắt tình hình. 

Khắc họa chân dung phóng viên chiến trường -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng tại Sân bay Pochentong - Campuchia trong cuộc chiến chống Polpot năm 1979. Nguồn: Báo Thể thao Văn hóa

Từng câu chuyện hiện lên sinh động, gắn chặt với những dấu mốc lịch sử, những sự kiện mà nhà báo Trần Mai Hưởng chứng kiến trên hành trình tác nghiệp. Ông nằm trong số phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng trong chiến dịch tổng tiến công 1972, là người tận mắt chứng kiến, ghi chép lại những khoảnh khắc trao trả tù binh giữa hai bên và niềm vui vỡ òa khi những chiến sĩ của ta bị tù đày gặp lại người thân tại Thạch Hãn, Quảng Trị sau khi hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973.

Ông là người có mặt ngay trong buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên Huế được giải phóng, kịp thời chuyển tải tin bài về không khí ngày hội ở đây. Và đặc biệt, ông kịp thời có mặt tại Dinh Độc Lập để kịp thời ghi lại khoảnh khắc "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975”. Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà với tác giả "là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo" của mình. Tràn ngập những trang viết là không khí vui tươi, phấn khởi của người dân Sài Gòn khi thành phố được giải phóng hoàn toàn. 

Những điều còn mãi

Trải qua 4 cuộc chiến tranh của thế kỷ XX, nước ta có khoảng 500 nhà báo liệt sỹ. Họ là những người đã ngã xuống trên các chiến trường khác nhau, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, giành hòa bình, tự do cho dân tộc. Nhà báo Trần Mai Hưởng là một trong những người còn sống trở về, để rồi kể lại hành trình ấy. 

"Tôi viết để chia sẻ lại chúng tôi thời đó đã sống như thế nào. Tôi viết về những sự kiện được chứng kiến, về những gương mặt, những con người, viết một cách trung thực, dung dị để những người dù không sống trong khoảnh khắc, trong thời kỳ ấy vẫn có thể hiểu, đồng cảm và chia sẻ", nhà báo Trần Mai Hưởng nói.

Khắc họa chân dung phóng viên chiến trường -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng ký tặng sách cho độc giả

Hồi ký, tự truyện là một thể loại khó và dường như chỉ dành cho những cuộc đời giàu trải nghiệm. Nhận định như vậy, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng nhà báo Trần Mai Hưởng có cuộc đời như thế. Ông đã cùng đông đảo đồng nghiệp thuộc thế hệ của mình góp phần làm nên truyền thống anh hùng của cơ quan thông tấn quốc gia, cùng đội ngũ báo chí cả nước trong cuộc đấu tranh chung vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Các trang viết không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu, có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo nói riêng", nhà báo Lê Quốc Minh nhận định.

Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1952 tại Hải Dương, từng giữ chức Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Hồi ký "Phóng viên chiến trường" do Nhà xuất bản Thông tấn, Công ty Cổ phần sách Alpha và Công ty Truyền thông Sống phối hợp xuất bản.

Văn hóa

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai
Văn hóa - Thể thao

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9 - 17.11 đi qua nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như "trái tim" của tuyến lễ hội, tập trung nhiều hoạt động chính.

- Vietravel Airlines đã đưa hành khách trở về một thời kỳ hoàng kim của lụa tơ tằm miền Nam qua màn trình diễn áo dài lãnh Mỹ A. Ảnh: VT
Văn hóa - Thể thao

Vietravel Airlines trình diễn áo dài lãnh Mỹ A

Là hãng hàng không của sự trải nghiệm văn hóa bản địa, Vietravel Airlines đã đưa hành khách trở về một thời kỳ hoàng kim của lụa tơ tằm miền Nam qua màn trình diễn áo dài lãnh Mỹ A. Từng đường kim mũi chỉ, nghệ thuật đính kết tạo hình tinh xảo trên nền tà áo dài truyền thống được thực hiện bằng lãnh Mỹ A như một lời kể về những bàn tay khéo léo của người thợ thủ công và những giá trị văn hóa sâu sắc được gìn giữ vượt thời gian.

30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan
Văn hóa - Thể thao

30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ra đời bộ truyện “Thám tử lừng danh Conan”, lần đầu tiên, độc giả tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc được trải nghiệm trọn vẹn những khoảnh khắc đáng nhớ trong triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan”.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau có quy mô hơn 20.000 ha.
Văn hóa - Thể thao

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau hài hòa và khác biệt

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội đồng thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô 20.100ha, mang tính giá trị văn hóa, lịch sử, thiêng liêng của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột
Địa phương

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột

"Vũ điệu Ban Mê" - chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Đây là một hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển; 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.

Toàn cảnh tọa đàm khoa học về nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Binh Lục sáng 18.10
Văn hóa - Thể thao

Vũ Bình Lục - người giải mã nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại

Tại tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức sáng 19.10, các đại biểu cho rằng, Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam.