Cục trưởng Cục Y - Dược cổ truyền Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh cho biết, mặc dù được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư phát triển y học cổ truyền nhưng hiện nhận thức về y học cổ truyền vẫn chưa được thực sự coi trọng. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm trong thực tiễn cần phải được phát huy hơn nữa nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả về chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y dược cổ truyền. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp như: đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở cho đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập Quốc tế. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng phát triển chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe con người đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Đẩy mạnh thiết lập mô hình kết hợp ba nhà: Nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng. Tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong hệ thống y dược cổ truyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực. Cục trưởng Cục Y - Dược cổ truyền Việt Nam Nguyễn Thế Thịnh mong muốn hội thảo cũng sẽ là nơi để kết nối các doanh nghiệp, mang đến những sản phẩm an toàn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng cho người sử dụng.
Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, hoạt động này sẽ được duy trì 2 năm một lần với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời tạo diễn đàn để các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền công bố những kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, hội thảo cũng là dịp để công bố, trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực y dược cổ truyền để y dược cổ truyền phát triển. Ban Tổ chức đã nhận được 81 báo cáo tham luận, trong đó có 26 báo cáo kết quả nghiên cứu về lâm sàng, 15 báo cáo kết quả trong nghiên cứu điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, 12 báo cáo kết quả trong nghiên cứu thực nghiệm, 10 báo cáo kết quả về nghiên cứu bào chế, nghiên cứu về dược liệu và 18 báo cáo về kết quả nghiên cứu về chính sách, khảo sát, nghiên cứu lý luận.