Một nghiên cứu được thực hiện trên 15 quốc gia châu Á với dữ liệu có sẵn đã nhấn mạnh rằng Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cao mắc bệnh tăng huyết áp. Cụ thể, 33,8% số người Việt Nam trong độ tuổi 60 - 70 mắc các bệnh lý về tăng huyết áp. Tỷ lệ này giảm dần xuống 27,5% (lứa tuổi 50 - 60), 20,7% (lứa tuổi 40 - 50), 12% (lứa tuổi 30 - 40). Giai đoạn 20 - 30 tuổi cũng có tới 8,4% người mắc bệnh tăng huyết áp. |
Phụ gia trong thuốc lá rất nguy hiểm
Trong quá trình hút thuốc, các chất phụ gia của thuốc sẽ hấp thụ vào máu, hoàn qua niêm mạc miệng và sau đó qua phổi. Ảnh hưởng lâu dài của việc hút thuốc lên huyết áp chủ yếu là do tổn thương tiến triển lên thành mạch máu, đặc biệt là các động mạch.
Theo Chủ tịch Phân Hội Tăng huyết áp Việt Nam GS. Huỳnh Văn Minh, tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”. Gần 60% người mắc tăng huyết áp chưa được phát hiện bệnh và chỉ có 14% bệnh nhân mắc bệnh này được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Tăng huyết áp ở Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc bệnh.
Nguyên nhân của tăng huyết áp có nhiều trong đó có nguyên nhân do hút thuốc có thể làm tăng huyết áp một cách đột biến và tăng huyết áp tâm thu nhiều hơn 4mm Hg. Khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá kích thích hệ thần kinh để tạo ra những hóa chất làm co mạch máu, tăng nhịp tim và làm tăng huyết áp. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút.
Một tác động đáng sợ khác của khói thuốc là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong một số nghiên cứu cho thấy rằng, huyết áp trở về bình thường giữa các lần hút thuốc nhưng nếu hút nhiều lần trong ngày có thể cũng làm tăng huyết áp dao động. Ngoài ra, theo GS. Huỳnh Văn Minh, hút thuốc cũng gây tổn hại lâu dài cho mạch máu. Vì vậy, ngoài các nguy cơ làm cao huyết áp, thói quen kéo dài này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như đột quỵ, bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.
Hút thuốc còn làm giảm tác dụng điều trị tăng huyết áp. GS. Huỳnh Văn Minh chỉ ra rằng, hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp. Một cơ chế mà hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc là do nó kích thích gan sản xuất ra 1 loại men vào trong máu làm hạn chế tác dụng của thuốc. Hút thuốc lâu ngày làm tụ mỡ bụng tăng vòng eo, tăng mỡ máu... Những ảnh hưởng xấu này tăng theo số điếu hút, số năm hút và không khác nhau giữa hút thuốc lá có khói hay thuốc lá không khói, thuốc lá điện tử. Người hút thuốc lá nhiều năm cơ thể luôn tiềm ẩn những rối loạn chuyển hóa đường, mỡ và trên tim mạch. Theo thời gian, người khỏe mạnh hút thuốc lá có tần suất mắc bệnh huyết áp, động mạch cao gấp hai lần người mới bỏ thuốc hoặc đã bỏ từ lâu.
Cần bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm |
Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt
Theo GS. Huỳnh Văn Minh, “các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… gọi theo chuyên ngành là các bệnh mãn tính, có nghĩa bệnh sẽ theo mình suốt cả đời. Khi bị tăng huyết áp là xác định cả đời mình sẽ phải gắn liền với thuốc điều trị tăng huyết áp. Chính vì vậy, ý thức của bệnh nhân rất quan trọng trong việc tuân thủ điều trị, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ từ tập luyện, ăn uống cho đến uống thuốc ra sao”.
Những người bị bệnh huyết áp tốt nhất là không hút thuốc vì những nguy hại của việc hút thuốc lá là rất lớn. Đối với những người đã hút thuốc rồi thì việc bỏ hút thuốc mang lại lợi ích rất tích cực. Những người bỏ hút thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch xuống còn 1.3 so với 2.0 ở người hút thuốc. Việc bỏ hút thuốc thậm chí còn có lợi ích, giảm đáng kể tỷ lệ bệnh tim mạch ngay trong những ngày đầu tiên. Theo báo cáo của Ban Sức khỏe Hoa Kỳ về lợi ích của bỏ hút thuốc năm 1990, việc bỏ thuốc đã làm giảm đi một nửa các biến cố bệnh tim mạch trong năm đầu và sau khi bỏ 10 năm thì nguy cơ chỉ còn gần tương tự như ở người chưa từng hút thuốc.