Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 13.5, cả nước có 75 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị. Trong 1 tuần qua (từ ngày 7.5 đến 13.5), cả nước ghi nhận 15.636 ca nhiễm Covid-19 mới, tức trung bình mỗi ngày có trên 2.200 ca mới.
Số ca tử vong ghi nhận 1 tuần qua là 5 trường hợp, tại các tỉnh Tây Ninh (2), Bến Tre (1), Nam Định (1) và Sóc Trăng (1).
Trước tình hình Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu (vào ngày 5.5), trong khi số mắc tại Việt Nam vẫn có xu hướng tăng, vẫn ghi nhận các trường hợp Covid-19 tử vong, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có một số chia sẻ liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian tới.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam ghi nhận ở mức thấp hơn tỷ lệ chung của thế giới
Theo đó, về các thay đổi trong điều trị bệnh nhân Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho biết, ngay từ giai đoạn Việt Nam chuyển hướng sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó có vấn đề liên quan đến kiểm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách ly đối với người mắc Covid-19.
Hiện nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét các nội dung về các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách ly đối với người bệnh Covid-19.
“Về cơ bản, các chuyên gia cũng đã thống nhất là sẽ có một số điều chỉnh, tập trung chủ yếu vào điều chỉnh liên quan đến sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với Covid-19 theo các khuyến cáo và các bằng chứng mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới và các báo cáo khoa học trên thế giới”, ông Khoa thông tin.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, giai đoạn tháng 4 và đầu tháng 5 năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh tử vong do Covid-19.
Khi xem xét, phân tích những trường hợp tử vong này, các chuyên gia nhận thấy rằng tất cả ca bệnh tử vong đều là người bệnh có nguy cơ cao (bệnh nền, cao tuổi hoặc có rất nhiều bệnh kèm theo) và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện trường hợp nào tử vong trên người bệnh không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.
“Tỷ lệ tử vong hiện nay so với số nằm viện (con số ước tính) dao động khoảng 0,47%. Cần nhấn mạnh rằng, những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện. Trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều thì hầu hết là điều trị tại nhà hoặc được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện”, Tiến sĩ Khoa nói.
Ông cho biết, ghi nhận của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ghi nhận ở mức 0,37%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%, nghĩa là chỉ bằng khoảng 1/3 so với tỷ lệ chung của thế giới.
Đây là số liệu thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị bệnh Covid-19 suốt 3 năm qua.
Chúng ta đã chuyển đổi kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.
“Đây là thành quả suốt một thời gian Việt Nam đã thích ứng một cách linh hoạt với công tác điều trị Covid-19. Đồng thời, trong dịch Covid-19, năng lực chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng cao hơn.
Rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã có thể quản lý điều trị được các trường hợp suy hô hấp nặng, triển khai được kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu. Covid-19 vừa là thách thức, cũng là một cơ hội cho việc nâng cao năng lực cho các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam”, ông nói.
5 giải pháp giảm tử vong do Covid-19
Để giảm tử vong do Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, tiếp tục cảnh giác với Covid-19, phát hiện sớm ca bệnh. Các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi nếu xảy ra lây nhiễm, thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỷ lệ tử vong có thể gia tăng.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu. Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) tiếp tục cập nhật kế hoạch, huy động sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức quốc tế để đào tạo, huấn luyện về hồi sức cấp cứu đối với điều trị Covid-19, đặc biệt là vấn đề thở máy, vấn đề hệ thống oxy cho các cơ sở y tế.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến.
Chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất. Hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.
Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh quá tải, bắt buộc các tỉnh, địa phương phải giữ bệnh nhân lại điều trị.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện. Yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh Covid-19. Triển khai áp dụng mang khẩu trang cho tất cả khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định.
Chú trọng bảo vệ cho những đối tượng có nguy cơ cao. Trong trường hợp bệnh nhân đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của Covid-19, phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.
Thứ năm, theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng Covid-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của virus. Các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể.
Cần đặc biệt lưu ý những trường hợp không mắc bệnh nền mắc Covid-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng gây gia tăng tình trạng nặng, như trước đây là chủng Delta.