Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng; bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện đơn vị Bộ GDĐT; đại diện các cơ sở giáo dục đại học; cùng các nhà khoa học, chuyên gia thuộc lĩnh vực giáo dục và pháp luật.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn khoa học mở cho các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, thảo luận, phân tích và đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về nhà giáo, từ đó đóng góp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nhà giáo ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo là nhân tố quyết định đối với chất lượng giáo dục và đào tạo.
Theo Thứ trưởng, từ trước tới nay đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý về nhà giáo được thể hiện ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên cũng chính vì thế, cần có một bộ luật quy định rõ về nhà giáo và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thời gian qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cùng các đơn vị liên quan, các chuyên gia đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, đóng góp nhiều nội dung quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo.
Việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ phải giải quyết những xung đột, mâu thuẫn với các luật hiện hành. Vừa là thống nhất, đồng nhất nhưng không chồng chéo với Luật Viên chức, Luật Công chức, Luật Lao động... đây là những khó khăn cần các nhà chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong ngành luật cùng vào cuộc với Bộ GD-ĐT.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Hội thảo để nâng cao vai trò, cũng như thể hiện trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học chuyên sâu về luật để phối hợp và giúp cho Bộ GD-ĐT nghiên cứu vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật.
Thứ trưởng mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bộ GD-ĐT và ngành Giáo dục trong quá trình hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo, trong đó có Dự thảo Luật Nhà giáo, qua đó đáp ứng được mong mỏi của hơn 1,6 triệu giáo viên trong cả nước.
Với Hội thảo “Chính sách, pháp luật về nhà giáo - Lý luận và thực tiễn”, Thứ trưởng đánh giá, những tham luận trong hội thảo đã đặt rất trúng những vấn đề mà Bộ GDĐT đang tổ chức nghiên cứu như: Định danh rõ hơn về nhà giáo; quản lý nhà giáo; qhế độ, chính sách, tôn vinh nhà giáo….
Tại Hội nghị đã có 7 tham luận đóng góp vào Dự thảo Luật Nhà giáo. Những tham luận trong hội thảo đã đặt rất trúng những vấn đề mà Bộ GDĐT đang tổ chức nghiên cứu như: Định danh rõ hơn về nhà giáo; quản lý nhà giáo; chế độ, chính sách, tôn vinh nhà giáo….
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, TS. Vũ Minh Đức cho biết, trên cơ sở ý kiến tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các quan điểm, ý kiến tại thành văn bản góp ý chung của các đơn vị đồng tổ chức để gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan khác có liên quan, từ đó góp thêm những ý kiến có giá trị, thể hiện trách nhiệm của giới luật học và chính sách trước Đảng, trước Nhân dân đối với sự phát triển của đất nước.