Mong muốn trở thành quốc gia không còn ảnh hưởng của bom mìn, Việt Nam đã và đang nỗ lực khắc phục hậu quả, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an toàn cho người dân.
Khắc phục hậu quả bom mìn ở những địa phương bị ảnh hưởng
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính, số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800.000 tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% diện tích cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.
Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích bị ô nhiễm, cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại màu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 21.4.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Chương trình 504). Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 504, ngày 4.3.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (gọi tắt là VNMAC).
Hàng năm, VNMAC đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, quỹ, UBND các tỉnh tổ chức nhiều chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp nhân Ngày Thế giới phòng chống bom mìn, 4.4.
Đồng thời, triển khai chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tại các địa phương; hỗ trợ tặng nhiều suất quà sinh kế cho các nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và phát triển sinh kế bền vững.
VNMAC đã tham mưu Bộ Quốc phòng thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Trung tâm cũng thực hiện điều phối một số dự án lớn góp phần cùng với các lực lượng cả nước triển khai trong giai đoạn 2010-2023 khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được hơn 500.000ha. Trong đó, các dự án thuộc Chương trình 504 đạt 74.000ha, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt khoảng 300.000ha và các dự án rà phá bom mìn nhân đạo đạt 111.240ha.
Tổng giá trị khảo sát, rà phá 12.614 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD)...
Hỗ trợ toàn diện nạn nhân bom mìn
Cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine. Trước thực trạng này, Nhà nước có nhiều chính sách khắc phục hậu quả bom mìn, quan tâm và hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn.
Toàn bộ các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.
Trong chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Đồng thời, Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả BHYT cho người khuyết tật. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn đang tích cực phát triển.
Toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt.
Để cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống, các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chất... giúp nạn nhân bom mìn, vật liệu tổ chức lao động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh…
Đặc biệt, những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KOICA) giúp nhiều nạn nhân bom mìn giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tại tỉnh Bình Định, các nạn nhân được xét hỗ trợ sinh kế là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng nhận hỗ trợ sinh kế trước đó, có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và cam kết thực hiện theo yêu cầu của dự án, đối ứng nếu chọn con giống mà kinh phí nhiều hơn mức dự án hỗ trợ. Mức hỗ trợ gồm: 15,5 triệu đồng/con bò, 12.000 đồng/con gà và 3,5 triệu đồng/con heo. Cùng với việc nhận con giống, nạn nhân bom mìn trong diện thụ hưởng còn được cấp thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng cho con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bền vững…
Rất nhiều nạn nhân bom mìn, người khuyết tật đang từng ngày phải vượt lên nỗi đau để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Trong hành trình ấy, họ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng và doanh nghiệp. Dù số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đã tạo điều kiện giúp các nạn nhân bom mìn từng bước vượt qua khó khăn, có cơ hội cải thiện sinh kế, tạo dựng cuộc sống.