Hội quán Phúc Kiến và giao lưu văn hóa của người Việt ở Hội An

Phước Kiến Hội quán hay Hội quán Phúc Kiến thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ Hội An, Quảng Nam, xây dựng năm 1697. Hội quán thờ thần bảo hộ cộng đồng cư dân, thờ Tiền hiền và hội họp đồng hương giúp đỡ nhau làm ăn buôn bán. Các chức năng trên tùy thời gian lịch sử có thể nổi trội khác nhau nhưng chức năng thờ cúng, tín ngưỡng vẫn là cơ bản để gắn kết cộng đồng người Hoa ở Hội An.

Hội quán Phúc Kiến và giao lưu văn hóa của người Việt ở Hội An ảnh 1

Gắn kết cộng đồng người Hoa ở Hội An

Cắt nghĩa việc xây dựng Hội quán Phúc Kiến có truyền thuyết kể rằng, thời xa xưa, khi khu vực này còn là cây cối rậm rạp, dãy phố phía trước còn là dòng sông, một tượng Phật bỗng dạt trôi đến. Trong bụng tượng có nhiều vàng, dân địa phương lấy số vàng này mua gỗ, đốn cây để xây dựng chùa thờ Phật, vì thế chùa có tên Kim Sơn Tự. Trải bao mưa nắng, chùa xuống cấp dần. Khi các thương gia Phước Kiến đến làm ăn phát đạt ở Hội An đã mua lại đất của ngôi chùa để dựng hội quán. Trải qua hơn 300 năm, Hội quán đã nhiều lần được trùng tu.

Hội quán Phước Kiến được truyền tụng rất linh thiêng. Chính điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tương truyền là vị Thần hóa thân của Quan Thế âm Bồ Tát có công cứu giúp thương nhân vượt sóng gió buôn bán làm ăn trên Đại dương an toàn. Hay nói chính xác hơn, Thiên Hậu Thánh Mẫu là thần Hàng Hải bảo hộ việc làm ăn trên biển của người Hoa Phước Kiến, tương tự như Phật Quán Thế Âm Nam Hải của người Việt. Thiên Hậu Thánh Mẫu thường hiển linh cứu dân giúp nước, đặt biệt là cứu vớt những tàu thuyền gặp nạn trên biển. Các triều đại sau đều ban sắc phong cho dân gian thờ cúng để tôn vinh Bà.

Phần hậu cung ở gian chính giữa thờ Lục Tánh Vương Gia, tương truyền là 6 vị tướng của nhà Minh gồm: Khâm Vương, Trương Vương, Thuấn Vương, Chu Vương, Hoàng Vương và Thập Tam Vương. Do Nhà Minh đến thời suy vi vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Mãn Thanh chiếm Trung Nguyên, cùng các quần thần Minh không chịu khuất phục, 6 ông đã nổi dậy tiến hành công cuộc phản Thanh phục Minh nhưng không may, thế yếu nên đã bị tử trận. Tấm gương nghĩa liệt ấy được người Mân (nay là tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) lập miếu thờ và tôn thần. Ở Hội An, tượng của 6 ông được thờ ở hậu điện của Phúc Kiến Hội quán, là các vị thần chuyên phò trợ giúp đỡ cộng đồng cư dân Phước Kiến. Bên trái thờ 3 bà Chúa Sanh Thai là Vân Tiêu, Huỳnh Tiêu, Bích Tiêu, tương truyền phạm luật Trời sát sinh nên phải phụ trách việc sinh đẻ cho nhân gian. Các bậc dưới là 12 Bà Mụ, y phục nhiều màu sắc, với các tư thế bồng con nít khác nhau. Theo cắt nghĩa của các bậc cao tuổi, đấy chính là 12 vị thần phụ trách 12 tháng trong năm và quản lý dạy dỗ con nít đủ 12 tháng rồi thôi nôi. Phần này là nơi cho mọi người cầu tự. Gian bên phải thờ bộ tượng thần Tài, bao gồm thần Tài ở giữa râu tóc bạc phơ, tay cầm đấu vàng. Tả hữu có 2 vị thần Văn, Võ phò tá. Đây chính là nơi đáp ứng việc cầu tài cho mọi người dân có liên quan đến thương mại dù bất cứ ở đâu.

Từ 1983 trở lại đây, hội quán Phước Kiến là nơi tham quan trọng điểm của khu phố cổ Hội An.

Chạm trổ tinh vi, nghệ thuật

Hội quán Phúc Kiến có lối kiến trúc sâu, dài 120m. Hội quán tọa lạc trên một khuôn viên đất kéo dài từ giáp đường Trần Phú đến đường Phan Châu Trinh và được kiến trúc theo lớp lang như sau: Cổng lớn bằng bê tông cốt thép - Sân nhỏ có phân lô - Hồ nước theo hình bông mai, có 5 con cá chép cùng ngẩng đầu phun nước, phía sau là mặt trời. Toàn bộ bề mặt ngoài, khung cửa lớn của tiền điện được ghép bằng nhiều loại đá thanh, đá Non nước, đá sa thạch. Chính giữa tiền điện là cửa lớn hai cánh gỗ lim dày, nặng đề 4 chữ Quốc thái, dân an.

Cấu trúc vì kèo tiền điện ở dạng chồng rường giả thủ, kết hợp tay ngai đấu vòi chồng đấu con sơn được chạm trổ tinh vi, đẹp mắt, đặc biệt là các bức màn được chạm lộng theo hình chim, cây, hoa, lá xếp chồng ẩn hiện. Ở đây còn có những bức hoành lớn, sơn son thếp vàng hoặc chạm xoi, chạm nổi, tạo nên vẻ khang trang, tao nhã. Ở mỗi đầu dư hoặc bức cốn đều là những công trình chạm trổ tinh vi, nghệ thuật. Ở bờ nóc, bờ hồi, bờ cứng, bờ mềm tiền điện, chính điện, hậu điện là cả 1 kỳ công đắp ghép của nghệ nhân mộc nề Kim Bồng. Bờ nóc đặc biệt làm theo kiểu hình sừng trâu hay là hình thuyền, trũng giữa, vút cao ra hai bên.

 Hội quán Phước Kiến là một công trình kiến trúc lộng lẫy, nguy nga, bên trong có chiều sâu, tạo không khí thâm nghiêm, trầm mặc. Cùng chức năng như các hội quán khác ở Hội An, hội quán Phước Kiến góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về người Phước Kiến, người Hoa thuộc dòng “khách trú” đến buôn bán, lâu dần, tiến tới định cư lập nghiệp, trở thành cư dân của Hội An. Chính vì thế, hội quán là nơi cung cấp những thông tin khoa học quý trong nghiên cứu dân tộc học, xã hội học và góp phần làm sáng tỏ tiến trình phát triển lịch sử đô thị - thương cảng Hội An. Đặc biệt, những chi tiết kiến trúc phản ánh rõ mối giao lưu văn hóa Việt - Hoa, Việt và các nước vùng Đông Nam Á. Các con giống, hoành phi, câu đối, họa tiết trang trí, hoa văn trong hội quán đều phản ánh triết lý nhân sinh của nhiều lớp người qua nhiều thời đại, đồng thời cung cấp thông tin về các hiệu buôn xưa và mức độ phát đạt hưng thịnh của hoạt động thương mại ở Hội An trong từng thời kỳ.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.