Có ý kiến cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, có liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi được xem là khởi nguồn của dân ca Quan họ. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất, đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ. Chưa có ý kiến nào đồng tình hoặc phản bác giả thuyết trên. Có điều truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương vẫn được nhân dân vùng Lim lưu giữ, truyền kể và dòng sông Tiêu Tương vẫn còn dấu vết khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Đặc biệt mối gắn kết giữa hội Lim và Quan họ là những gợi mở quan trọng cho việc tìm hiểu và làm sáng tỏ vấn đề nguồn gốc và lịch sử hội Lim.
Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, các nguồn tài liệu thư tịch cho biết chắc chắn vào thế kỷ XVIII, hội Lim đã là một lễ hội lớn phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Lim là vùng đất cổ, hội đủ những yếu tố lịch sử và truyền thống văn hiến của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc: làng xóm có lịch sử lâu đời và trù phú, cư dân cần cù, thành thạo, tinh xảo trong lao động sản xuất, giao thương buôn bán, tiêu biểu là phụ nữ, đặc sắc nhất là truyền thống hiếu học, khoa bảng, giàu tiềm năng hoạt động và sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật... Đó là những yếu tố địa lý và điều kiện lịch sử - văn hóa cho phép xác định hội Lim có nguồn gốc và lịch sử lâu đời và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành lễ hội lớn.
Thế kỷ XVIII là thời kỳ hội Lim phát triển , đổi mới khá toàn diện và sâu sắc. Thời kỳ này, vùng Lim có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, giao thương buôn bán và đời sống văn hóa, thúc đẩy quá trình phát triển và đổi mới hội Lim. Vào nửa đầu thế kỷ XVIII, trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ được tổ chức vào mùa thu tháng 8, viên Quận công Đỗ Nguyên Thụy đã phát triển và đổi mới hội Lim thành lễ hội hàng tổng bằng việc hiến dâng hàng tổng 40 mẫu ruộng và hàng ngàn quan tiền cổ để xây dựng tập quán chung và tổ chức lễ hội. Trong đó, việc duy trì và phát triển lối hát giao lưu giữa các làng trong vùng vào dịp tế thần trở thành hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn nhất lễ hội. Trung tâm lễ hội là đình làng Đình Cả và đền Cổ Lũng, mà tên làng Đình Cả đã khẳng định vai trò của làng này trong lễ hội hàng tổng. Để duy trì lễ hội, Đỗ Nguyên Thụy đã xây dựng những quy định về lệ tục lễ hội và khắc vào bia đá làm căn cứ cho hàng tổng thực hiện. Theo tài liệu này, lễ hội được tổ chức từ rằm đến 21 tháng tám với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ... Điều đáng lưu ý là tuy lễ hội chính được tổ chức vào mùa thu tháng tám, nhưng Quận công Đỗ Nguyên Thụy cũng đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”.
Như vậy, Quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng giêng.
Những quy định về phát triển, đổi mới hội Lim do quận công Đỗ Nguyên Thụy khởi xướng và xây dựng được duy trì trong vòng 40 năm. Vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng tám sang hẳn mùa xuân tháng giêng. Ông cũng bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi. Kế đó, bà Mụ Ả, người Nội Duệ Nam, tu ở chùa Hồng Ân (tức chùa Lim) cũng bỏ tiền mua nốt phần còn lại của núi Hồng Vân làm hương hỏa, mở mang chùa Lim và quy định ba năm hàng tổng mở hội một lần tại núi Lim.
Như vậy, vào nửa sau thế kỷ XVIII, hội Lim đã có sự đổi mới rất căn bản: từ lễ hội mùa thu tháng tám sang mùa xuân, diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng; trung tâm lễ hội từ làng Đình Cả - Nội Duệ được chuyển lên núi Lim, và hội làng Lũng Giang trở thành lễ hội lớn, vì thế có tên hội Cả. Hội đình, hội chạ hàng tổng được kết hợp và hòa nhập với hội chùa Hồng n, nên được gọi là Hội Hồng Vân Sơn hay dân gian quen gọi là hội Lim.
Theo thời gian, hội Lim được duy trì, mở rộng và phát triển cho đến tận ngày nay. Hội Lim ngày càng hấp dẫn và thu hút đông đảo quý khách trong nước và nước ngoài, trở thành lễ hội lớn có quy mô quốc gia.
Mỹ Thuần