Vừa qua, HĐND TP Cần Thơ tổ chức Kỳ họp Thứ 13 - Kỳ họp chuyên đề cuối năm thành công tốt đẹp. Trong năm 2023, hoạt động HĐND TP Cần Thơ từng bước nâng lên và đạt được những kết quả nổi bật, mới đây, Báo Đại biểu Nhân dân có buổi phỏng vấn Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu về công tác này.
Xin ông đánh giá những hoạt động nổi bật của HĐND TP Cần Thơ trong năm 2023? Được biết năm qua, HĐND TP Cần Thơ ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, vậy việc triển khai các nghị quyết này như thế nào?
Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu: Trên cơ sở các quy định của pháp luật, sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự lãnh đạo thường xuyên và sâu sát của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Đảng đoàn HĐND TP, từ đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND TP Cần Thơ trong năm từng bước được nâng lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố có thể điểm qua một số kết quả nổi bật.
Trong năm 2023, HĐND TP Cần Thơ tổ chức thành công 4 kỳ họp để thực hiện công tác nhân sự và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố; đã ban hành 67 nghị quyết (gồm, 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và 53 nghị quyết cá biệt) trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện tại địa phương.
Một số nghị quyết, chính sách do HĐND TP Cần Thơ ban hành trong năm 2023 có thể kể đến, đó là: Thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1); Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Cần Thơ; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km00 - Km07) TP Cần Thơ; một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025, hỗ trợ giáo dục nghề, việc làm cho người lao động; Đặc biệt, là thông qua Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,...
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND TP, trong năm, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP đã thực hiện 16 đợt giám sát, khảo sát làm việc với trên 140 lượt đơn vị theo. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm trên tất cả các lĩnh vực: pháp chế, kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, đô thị,...
Hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện đầy đủ và đúng theo quy định. Tỷ lệ giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri luôn đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân trong năm 2023 đạt tỷ lệ 100%. Hoạt động tiếp công dân của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được thực hiện thường xuyên và đúng quy định.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP Cần Thơ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND TP bầu. Kết quả, không có trường hợp nào phải tiến hành thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội.
Qua những cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương, bà con phản ánh tình trạng lao động nông thôn thiếu việc làm. Vậy, HĐND TP có những quyết sách gì để hỗ trợ người lao động học nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn?
Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu: Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn luôn được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ngày 31.12.2021, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 25-CTr/TU về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2030, theo đó, UBND TP ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 22.7.2022 về việc thực hiện Chương trình số 25-CTr/TU của Thành ủy.
Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố được quan tâm củng cố, thành phố hiện có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó, có 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận, huyện, 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, 26 cơ sở khác có dạy nghề); bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số trường nghề trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2023, đã phê duyệt 5 dự án, với tổng kinh phí trên 434,6 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố đã giới thiệu việc làm trên 58.100 lượt lao động.
Tại kỳ họp thứ 13 vừa qua, HĐND TP quyết nghị thông qua Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 8.12.2023 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01.01.2024).
Theo đó, các đối tượng theo nghị quyết này được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; cho vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngoài ra còn hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng trong quá trình tham gia các khóa đào tạo nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi thường trú từ 15km trở lên,... Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn của ngân sách thành phố ủy thác Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Cần Thơ theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Với vai trò của mình, HĐND TP sẽ làm gì để quy hoạch triển khai nhanh, đồng bộ, mạng lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP Cần Thơ trong thời gian tới?
Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu: Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 vừa qua. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của thành phố trong tương lai, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư phát triển thành phố.
Với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao theo Luật định, HĐND TP sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển thành phố; thường xuyên giám sát, đôn đốc UBND TP trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch này, nhất là việc triển khai thực hiện những dự án có tính dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ,… theo đúng mục tiêu đề ra.
Đưa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Quy hoạch, nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, nghị quyết nhiệm vụ hàng năm của Thành ủy Cần Thơ vào nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của HĐND TP, làm cơ sở để UBND TP, các ngành, các cấp, các địa phương triển khai thực hiện. Kịp thời xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND TP khi UBND TP trình các nội dung có liên quan đến việc thực hiện Quy hoạch.
Phấn đấu đến năm 2030, TP Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố sinh thái, thông minh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Là trung tâm đô thị của vùng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á; trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam; là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao, tiên phong trong phát triển đô thị xanh. Tập trung phát triển các lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng công nghệ mới của thế giới theo mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.202 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cử tri rất quan tâm đến công tác giám sát triển khai các nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP đến đời sống người dân, vậy xin ông cho biết, năm 2024, HĐND TP Cần Thơ sẽ quan tâm nội dung này như thế nào?
Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu: Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu đó là:
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các Luật, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương, của Thành ủy thành phố về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trình HĐND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách theo Chương trình xây dựng Nghị quyết toàn khóa nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND TP đã ban hành.
Tổ chức thành công các kỳ họp của HĐND TP; tiếp tục theo dõi, đôn đốc UBND TP trong việc thể chế hóa các nghị quyết do HĐND TP ban hành trong năm 2024 và giám sát việc thực hiện các nghị quyết do HĐND TP ban hành còn hiệu lực thi hành, nhất là các nghị quyết có về các chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, liên quan đến các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số,… trên địa bàn thành phố.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giám sát theo Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND TP; phối hợp, tham gia giám sát theo chương trình làm việc của Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện công tác giám sát, làm việc tại địa phương đối với các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt là, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP sẽ tập trung giám sát việc thực hiện các nội dung, như: Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Thành ủy Cần Thơ ban hành; việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn thành phố, cũng như các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; giám sát các vấn đề phát sinh theo tình hình thực tế được cử tri và Nhân dân thành phố quan tâm, kiến nghị, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như quan tâm chăm lo đời sống của người dân ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND TP thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân định kỳ nơi công tác và địa phương ứng cử theo Luật định; kịp thời xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo theo quy định pháp luật; quan tâm theo dõi, đôn đốc, giám sát, tái giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với cơ quan dân cử, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Năm 2023, mặc dù trong bối cảnh còn gặp rất nhiều khó khăn chung, nhưng tình hình kinh tế - xã hội TP Cần Thơ tiếp tục có bước phát triển, duy trì tốc độ tăng khá, tăng 5,75%; nhiều chỉ tiêu quan trọng tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn có chuyển biến tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 94,12 triệu đồng, tăng 9,37% so với năm 2022; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,66%; khu vực nông nghiệp, thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm, cải thiện. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh; công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch ngày càng sâu rộng, gắn với các sự kiện, lễ hội cấp vùng, quốc gia và quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch.
Xin cảm ơn ông.