Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hương cho biết, mục đích của chương trình trải nghiệm “Không gian văn hoá Hà Nội trong lòng Hoà Lạc” là thực hiện Chương trình Giáo dục địa phương Trường THPT Khoa học Giáo dục theo định hướng mở, tích hợp với các nội dung giảng dạy các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý trong chương trình THPT (lớp 11,12 hiện hành) và Môn Giáo dục địa phương lớp 10 (CT GDPT 2018) gắn với thực tiễn nhằm hình thành phẩm chất, phát triển năng lực cho học sinh.
Chương trình sẽ hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.
Qua các giờ học về lịch sử, địa lý, văn học địa phương Hà Nội, học sinh có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với lịch sử, văn hóa địa phương, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế.
Tại chương trình, học sinh được tìm hiểu về lịch sử ĐH Quốc gia Hà Nội – kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, từ đó có định hướng cụ thể trong học tập, hướng nghiệp.
Bên cạnh đó, góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung cũng như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; hình thành các năng lực chuyên biệt, rèn luyện các kĩ năng cụ thể gắn với các môn học.
Đồng thời, giúp học sinh hình thành một cái nhìn văn hóa toàn diện và sâu sắc, có ý thức xây dựng, khẳng định một nhân cách văn hóa, bản lĩnh văn hóa của cá nhân trong thời kì hội nhập toàn cầu.Giúp học sinh hình thành kĩ năng lựa chọn, tra cứu, tìm hiểu, xử lí thông tin; phát triển tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu; hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp… Tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa các tổ chuyên môn với các tổ chức đoàn thể và các CLB trong việc giáo dục học sinh một cách toàn diện.
Theo dòng lịch sử, các HESers đã tái hiện Lịch sử Hà Nội qua các tên gọi; làm sống lại các công trình kiến trúc, từ cổ trung đại, thời Pháp thuộc đến các công trình kiến trúc đương đại mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.
Không gian văn hóa Hà Nội với những dấu ấn sống động qua âm nhạc, mĩ thuật, nhiếp ảnh, thời trang, văn học, ẩm thực, và các làng nghề truyền thống cũng đã tái hiện được nếp sống thanh lịch của người dân Hà Thành.
Chương trình còn có sự giao lưu, chia sẻ của GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch hội đồng Khoa học Đào tạo ĐHQGHN với tọa đàm chuyên đề "Văn hóa Hà Nội trong lòng Hòa Lạc" đã đem đến cho các HESers những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa Hà Nội.
Chương trình hội trại đã lưu lại dấu ấn trong lòng người tham dự những kí ức tươi đẹp về văn hoá Hà Nội đặc biệt đây là trải nghiệm thú vị để những thế hệ “gen Z” có cơ hội được lắng mình trong một không gian hoài niệm với những nét đẹp văn hoá truyền thống.
Sự nhiệt tình, hăng hái tham gia hoạt động đã giúp HESers có những trải nghiệm đáng quý, mở rộng vốn hiểu biết của bản thân ở nhiều lĩnh vực văn hoá, kiến trúc, giáo dục đồng thời cũng giúp các lớp có sự gắn kết.