Chuyển từ tham luận sang thảo luận
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Giang có nhiều đổi mới. Công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp được chú trọng, bảo đảm đúng quy định nhưng linh hoạt, khoa học và hiệu quả. Triển khai tốt kỳ họp không giấy, chuyển từ tham luận sang thảo luận, ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn theo tinh thần Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 11 kỳ họp, ban hành 174 nghị quyết, trong đó có 157 nghị quyết quy phạm pháp luật và các nghị quyết về biện pháp, chính sách nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo ban hành bộ quy trình giải quyết công việc, trong đó thực hiện hiệu quả quy trình giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND bảo đảm theo đúng các quy định pháp luật, đồng thời “rõ việc - rõ trách nhiệm” trong triển khai thực hiện... Các phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh được chú trọng theo hướng các nội dung đưa ra chất vấn, giải trình được minh họa bằng “hình ảnh, phóng sự” trực quan, thông qua hoạt động khảo sát trực tiếp, bảo đảm khách quan, toàn diện giúp cho những kiến nghị của Thường trực HĐND được chính xác và có sức nặng.
Hoạt động TXCT được đổi mới theo hướng đi sâu vào TXCT theo chuyên đề, tập trung những vấn đề lớn cần xin ý kiến rộng rãi, trực tiếp đến đối tượng chịu sự tác động để xây dựng và ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Sẽ giám sát chuyên đề theo mô hình liên cấp
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành: trong các hoạt động đổi mới trên, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, những đại biểu trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện không những chỉ nhiệm vụ chung của đại biểu mà còn có sứ mệnh lớn hơn là làm cho vị thế, vai trò của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ngày càng được nâng lên.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức 2 lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND tỉnh; thường xuyên phân công các thành viên tham dự các hội nghị, hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; tổ chức cho các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND (chuyên trách) của các huyện, thành phố, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh dự thính các kỳ họp của Quốc hội. Qua đó, trau dồi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác HĐND chuyên trách.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 4 hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố. Ngoài trao đổi, thảo luận các vấn đề mới, mang tính định hướng, nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thành phố, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động khảo sát thực tế, nhằm giúp các đại biểu HĐND tỉnh, các công chức tham mưu, giúp việc trong bộ máy cơ quan quyền lực tại địa phương được trao đổi, chia sẻ những nội dung mang tính chuyên môn, mang tính riêng biệt trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành khẳng định: nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND là một yêu cầu đặt ra, đồng thời là đòi hỏi chính đáng, niềm tin của cử tri đối với người đại diện cho mình. Để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi đó, HĐND tỉnh Bắc Giang đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả rất thiết thực. Gần nửa nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã triển khai thực hiện khá nhuần nhuyễn, bài bản những nội dung, hoạt động thuộc thẩm quyền và luôn đóng vai trò định hướng, hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp huyện và cơ sở.
Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức giám sát chuyên đề theo mô hình liên cấp. Do đó, việc tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức, tư duy, kỹ năng giám sát của các đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu HĐND chuyên trách sẽ là một “mắt xích” rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.