Bảo đảm khách quan, minh bạch
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết, để bảo đảm thuận lợi, thống nhất trong áp dụng pháp luật và nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện hoạt động giám định BHYT, việc BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành quy trình giám định BHYT là rất cần thiết và đúng thẩm quyền.
Làm rõ về sự cần thiết phải sửa đổi Quy trình Giám định BHYT hiện hành, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho rằng, quy trình hiện hành được BHXH Việt Nam ban hành năm 2015 kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH có căn cứ pháp lý là Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15.11.2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật trên đã được thay thế bằng các văn bản mới. Nhiều nghiệp vụ giám định đã được thực hiện trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT và liên thông với các phần mềm nghiệp vụ khác của ngành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy trình giám định BHYT phù hợp.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, Luật BHYT đã quy định cơ quan BHXH phải có trách nhiệm, nhiệm vụ giám định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định. Do đó, cần có quy trình giám định, áp dụng theo đúng các quy phạm pháp luật đã đề ra.
"Việc sửa đổi bổ sung quy trình giám định BHYT là vấn đề cần thiết, đạt đồng thuận cao của lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và từ phía các cơ sở khám, chữa bệnh. Quy trình Giám định BHYT là tài liệu hướng dẫn phạm vi chuyên môn ngành BHXH Việt Nam, tuy nhiên, các cơ quan liên quan đến quá trình giám định bắt buộc phải thực hiện theo các quy phạm pháp luật đã quy định để thực hiện việc giám định BHYT" - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn lưu ý.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Quy trình) Dương Tuấn Đức thông tin, dự thảo Quy trình Giám định BHYT mới đã được trung tâm phối hợp với Ban Thực hiện chính sách BHYT lấy ý kiến rộng rãi bằng văn bản đối với tất cả các đơn vị có liên quan của BHXH Việt Nam (Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Vụ Pháp chế, Vụ Kiểm toán nội bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Vụ tài chính kế toán, Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ, Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH); ý kiến tham gia góp ý của Bộ Y tế (3 lần), Tư pháp và Tài chính; ý kiến tham gia góp ý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh; ý kiến tham gia góp ý của BHXH các tỉnh, thành phố (3 lần)...
“Quy tắc giám định được xây dựng căn cứ các quy định của Luật BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các quy định được cơ quan có thẩm quyền ban hành, do đó, các đơn vị có liên quan phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của BHXH Việt Nam là xây dựng quy tắc giám định phục vụ cho công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định” - Đại diện Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến nhấn mạnh.
Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị soạn thảo và yêu cầu tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo quy trình, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh giao Ban Thực hiện chính sách BHYT và Vụ Pháp chế cùng thẩm định dự thảo quy trình mới, trình Tổng Giám đốc ký ban hành trong tuần tới. Bên cạnh đó, lưu ý quy trình giám định BHYT mới phải kế thừa kết quả tích cực đã đạt được, phù hợp với thực tế hiện nay, đặc biệt là có căn cứ pháp lý đủ sức thuyết phục.
“Quy trình giám định được BHXH Việt Nam ban hành phục vụ hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, văn bản này mang tính đặc thù riêng, hướng dẫn việc triển khai các quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giám định của BHXH Việt Nam. Trách nhiệm của các đơn vị ngoài ngành BHXH Việt Nam (cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân...) là phải tuân thủ tuyệt đối quy phạm pháp luật theo trách nhiệm của mình. Những nội dung này phải được làm rõ trong cơ sở pháp lý, đối tượng áp dụng quy trình” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý thêm.